Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP)
Quyết định của Tổng thống Biden cũng đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ phải đóng cửa một phần chỉ vài ngày trước dịp lễ Giáng sinh.
Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật tiếp tục cấp kinh phí cho các cơ quan chính phủ với 85 phiếu thuận và 11 phiếu chống.
Trước đó cùng ngày, dự luật đã được các nghị sĩ lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, chỉ vài phút trước thời hạn chót vào nửa đêm 21/12. Dự luật chi tiêu sửa đổi để cấp kinh phí cho các cơ quan liên bang đến giữa tháng 3 sang năm có một số điểm thay đổi so với dự luật bị bác trước đó, khi bổ sung khoản 100 tỷ USD cho cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả thiên tại sau hai trận siêu bão Milton và Helene, và 10 tỷ USD trợ giúp kinh tế cho nông dân. Dự luật cũng có điều khoản kéo dài thời hạn hiệu lực của Đạo luật Nông trại thêm một năm.
Tuy nhiên, dự luật không bao gồm mức nâng trần nợ công, dù các nghị sĩ Cộng hòa đã nhất trí nâng mức này lên 1.500 tỷ USD, đổi lại sẽ cắt giảm chi tiêu chính phủ 2.500 tỷ USD trong 10 năm tới.
Hồi đầu tuần, ông Trump đe dọa sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ lại với những đảng viên Cộng hòa chống nỗ lực gia hạn trần nợ của ông. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ dự luật cuối cùng với số phiếu áp đảo.
Từ 1/10 đến nay, chính phủ Mỹ đã phải hoạt động nhờ vào ngân sách tạm thời được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 9 và nguồn tiền này hết hạn vào cuối ngày 20/12. Nếu không có ngân sách mới nào được thông qua trước mốc thời gian này, chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa một phần.
Trong trường hợp chính phủ đóng cửa, nhiều nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc, nhiều dịch vụ công sẽ bị tạm dừng hoặc chẫm trễ khiến cuộc sống thường ngày của người dân sẽ bị xáo trộn. Trong đó, do thiếu hụt về nhân viên an ninh hàng không và kiểm soát không lưu, số chuyến bay bị chậm sẽ tăng lên. Tòa án di trú có thể đóng cửa, khiến hồ sơ tồn đọng tăng lên. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) có thể bị gián đoạn. Việc xây dựng các công trình giao thông trên toàn quốc có thể bị đình trệ. Nhiều công viên quốc gia sẽ đóng cửa, mặc dù một số công viên vẫn có thể tiếp cận được với dịch vụ hạn chế dành cho du khách.
Tương lai của Chủ tịch Hạ viện sau khi chính phủ Mỹ suýt đóng cửa
Tương lai chính trị của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang trong tình thế bấp bênh, sau khi dự luật ngân sách do ông thương lượng bị Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng nhiều nghị sĩ Cộng hòa phản đối. Trước đó, ông Johnson đã công bố dự luật ngân sách hơn 1.500 trang do ông thương lượng với phe Dân chủ nhằm ngăn chính phủ đóng cửa.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Ảnh: AP)
Tài liệu lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ hàng loạt nghị sĩ Cộng hòa, Tổng thống đắc cử Donald Trump và tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) trong chính quyền mới.
Những người phản đối muốn loại bỏ các điều khoản không liên quan được thêm vào dự luật như tăng lương cho các nghị sĩ, kiểm soát những khoản phí khách sạn ẩn. Ông Trump nhấn mạnh ông muốn bổ sung điều khoản về nới trần nợ công.
Sức ép gia tăng buộc ông Johnson phải đưa ra phiên bản hai của dự luật, rút gọn đi nhiều nội dung. Ông Trump ủng hộ dự luật này nhưng Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đã bác bỏ nó vào ngày 19/12. Cuối cùng, phiên bản ba được đưa ra với nội dung gần như giống hệt phiên bản hai nhưng không có điều khoản về đình chỉ trần nợ công trong hai năm mà ông Trump đề ra.
Ngày 20/12, Hạ viện Mỹ phê duyệt phiên bản thứ ba này và Thượng viện đã thông qua ngay trong đêm. Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa nhưng vị thế của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson được cho là đang lung lay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!