Người biểu tình xứ Catalan. (Ảnh: Getty)
Chính quyền địa phương Catalan đã bất chấp lệnh cấm của Toà án Hiến pháp Tây Ban Nha, vẫn tổ chức bỏ phiếu, với câu hỏi “Catalan có nên trở thành một Nhà nước độc lập hay không?”.
Chính phủ Tây Ban Nha đã không áp dụng bất cứ biện pháp ngăn cản hay trấn áp nào tại Catalan, mặc dù rõ ràng là chính quyền vùng này đã vi phạm pháp luật Tây Ban Nha. Hôm 9/11, không có bóng dáng cảnh sát tại hơn 1.300 điểm bỏ phiếu bất hợp pháp, suốt từ 9h cho tới lúc các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 20h.
Ông Pep Guardiola, cử tri Catalan, Huấn luyện viên đội bóng Bayern Munich cho biết: “Không ai ngăn cản tôi bỏ phiếu. Tôi có mong muốn giống như đa số người Catalan. Hôm nay, tôi đã có dịp bày tỏ chính kiến, tới đây để bỏ phiếu”.
Thủ tướng Tây Ban Nha một lần nữa tuyên bố không công nhận kết quả từ cuộc bỏ phiếu bất bình thường này. Ông khẳng định, chừng nào ông còn tại vị, sẽ không ai có thể phá vỡ sự toàn vẹn của Tây Ban Nha.
Ông Mariano Rajoy, Thủ tướng Tây Ban Nha nói: “Ai muốn gọi thế nào thì tuỳ, nhưng đó không phải là trưng cầu dân ý hay tham vấn gì cả. Chỉ có thể khẳng định rằng, chuyện đó không có bất cứ giá trị nào hết”.
Theo tuyên bố của những người tổ chức cuộc bỏ phiếu bất hợp pháp, đã có khoảng 2 triệu trên tổng số 5 triệu rưỡi cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nhưng do không có uỷ ban giám sát, cũng không có danh sách cử tri, nên rất khó kiểm chứng độ chính xác của con số này.
Chính quyền vùng Catalan muốn dùng cuộc bỏ phiếu này để gây sức ép với chính quyền trung ương Tây Ban Nha, nếu không chấp thuận cho Catalan tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp, thì ít ra cũng phải trao thêm quyền cho vùng tự trị giàu có này, đặc biệt là quyền được thu thuế và phân bổ số tiền thuế thu được.