Các nhà khoa học nghiên cứu chủng đậu mùa khỉ mới - lây lan từ Cộng hòa Dân chủ Congo ra bên ngoài - cho biết loại virus này đang biến đổi nhanh hơn dự kiến, thường phát triển ở những khu vực không có đủ kinh phí và thiết bị để giám sát đúng cách.
Hiện có nhiều điều chúng ta chưa biết về loại virus đậu mùa khỉ đang lây lan ra toàn cầu. Do đó, gần 10 nhà khoa học ở châu Phi, châu Âu và Mỹ đã nói với hãng thông tấn Reuters rằng mức độ nghiêm trọng của chủng virus đậu mùa khỉ mới và cách lây truyền của nó đang gây khó cho các nỗ lực ứng phó.
Hiện đã có 222 ca nhiễm chủng virus mới có tên là nhánh Ib, được xác nhận ở 4 quốc gia châu Phi trong tháng 7, cùng với 1 người ở Thụy Điển và 1 trường hợp ở Thái Lan, cả hai đều có lịch sử đến châu Phi.
Chủ tịch Ủy ban Ứng phó khẩn cấp với đậu mùa khỉ của WHO nói: "Chúng tôi đang làm việc như những kẻ mù lòa. Chúng tôi không có đủ kiến thức cần thiết về lịch sử, động lực lây truyền, các yếu tố nguy cơ của đậu mùa khỉ. Về cơ bản, chúng tôi cần hiểu bối cảnh, cần hiểu căn bệnh này để có thể phát triển hoặc thiết kế các chiến lược phòng ngừa. Nhưng đây hiện lại là một hạn chế đáng kể".
(Ảnh: Decisions in Dentistry)
Ông Ogoina cho biết phải mất hơn 5 năm nhánh Ib ở Nigeria mới tiến hóa đủ để lây lan một cách chắc chắn giữa người với người. Tuy nhiên, nhánh Ib hiện nay đã làm được điều tương tự trong vòng chưa đầy 1 năm.
Hiện cần có thêm nhiều nghiên cứu gấp, nhưng 3 nhóm theo dõi những đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi cho biết họ thậm chí không thể có được những hóa chất cần thiết để làm các xét nghiệm chẩn đoán.
Chủ tịch Ủy ban tư vấn về đậu mùa khỉ thuộc CDC châu Phi cho hay khoảng một nửa số ca bệnh ở miền Đông Congo - nơi chủng Ib đặc biệt phổ biến - chỉ được các bác sĩ chẩn đoán mà không được xác nhận bằng xét nghiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!