Câu chuyện về công ty sản xuất chip bán dẫn TSMC chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự dịch chuyển về sản xuất công nghệ cho thấy, Mỹ và Trung Quốc đang giảm dần sự phụ thuộc lẫn nhau trong các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Xu hướng đó được nhìn nhận như một cơ hội cho các nước vừa và nhỏ trong khu vực như ASEAN, vốn có lợi thế là vị trí địa lý và chuỗi cung ứng được liên kết chặt chẽ với Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới vào năm 2010 và cung cấp 28% sản lượng hàng hóa toàn cầu trong năm 2018.
Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng thế giới trong đại dịch COVID-19 cũng phơi bày mặt trái của việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Và cuộc thảo luận về việc dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra rất mạnh mẽ trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)
"Chúng ta có một chuỗi cung ứng mà các thành phần khác nhau được sản xuất ở mọi nơi trên thế giới và khi một phần nhỏ của thế giới gặp vấn đề thì toàn bộ mọi thứ bị rối tung. Chúng ta không nên có chuỗi cung ứng. Chúng ta nên sản xuất tất cả ở Mỹ" - Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh.
Chính phủ Mỹ đang hợp tác với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên". Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, các cuộc thảo luận bao gồm "cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng để ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa".
Mỹ Latinh cũng có thể đóng một vai trò trong sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng này do các công ty có thể dịch chuyển về gần thị trường Mỹ hơn.
Các nước ASEAN cũng đang là đích đến nếu các công ty muốn dịch chuyển để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Từ trước cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, trên thực tế một số ngành sản xuất ở Trung Quốc đã có xu thế chuyển sang Đông Nam Á.
Ví dụ như năm 2018, Samsung đã đóng cửa các nhà máy ở Thâm Quyến và Thiên Tân (Trung Quốc); năm 2019, Samsung đã đóng cửa nhà máy điện tử Huệ Châu - nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc. Cho đến nay, ngành sản xuất của Samsung đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc, chuyển sang khu vực Đông Nam Á và Nam Á.
Samsung đã rút hoàn toàn bộ máy sản xuất khỏi Trung Quốc
Tuy nhiên, để đón đầu làn sóng dịch chuyển có khả năng được thúc đẩy sau dịch bệnh COVID-19, các nước Đông Nam Á cần phải có sự chuẩn bị về nhiều mặt.
"Các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có khả năng được hưởng lợi từ sự điều chỉnh sao sắp xếp lại chuỗi cung ứng và để tận dụng những chuyển đổi này, các nước này cần phải có thay đổi trong chính sách, xây dựng tăng cường nội lực của mình, tăng cường nguồn lực quốc gia, xây dựng hệ thống hạ tầng tốt hơn, xây dựng hệ thống sân bay cảng biển, xây dựng nguồn nhân lực và tăng cường về quản trị quốc gia để làm sao hả tận dụng được cơ hội do sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng đem lại" - Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký ASEAN cho biết.
"Ở một mức độ nào đó, có sự định hướng lại chuỗi cung ứng thì sẽ có cơ hội cho phát triển kinh tế. Nhưng điều này không tự động đến. Chúng ta phải phát triển cơ sở hạ tầng, con người, cũng như cơ sở vật chất. Chúng ta sẽ phải phát triển các chính sách phù hợp, khung chính sách, khung pháp lý để chúng ta hấp dẫn bởi vì cơ hội không phải tự động đến với chúng ta. Chúng ta cũng không nên nhầm lẫn giữa cơ hội và thực tế. Cơ hội chỉ là cơ hội mà thôi" - Đại sứ Bilahari Kausikan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách Trung Đông, Đại học Quốc gia Singapore nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!