Khi nhắc đến nước Đức, người ta hay nhắc tới món xúc xích, món ăn nổi tiếng của đất nước này và được rất nhiều người yêu thích. Người Đức nổi tiếng yêu xúc xích và món thịt chiên Schnitzel. Tuy nhiên, xu hướng đang thay đổi trong vài năm trở lại đây khi nhiều người Đức đang dần dần ăn ít thịt hơn. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Đức cho thấy, lượng thịt tiêu thụ của một người ở nước này trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 33 năm qua.
Ông Sebastian Joy, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ "ProVegInternational", cho biết: "Chỉ riêng trong một năm qua, tỷ lệ thịt trung bình một người Đức ăn đã giảm khoảng 15%, từ mức 60 kg/người xuống còn 52 kg, mức thấp kỷ lục. Khoảng 10% người Đức ăn chay, tăng so với con số 6% vào năm 2018. Có nhiều lý do dẫn tới sự thay đổi thói quen ăn uống này, cả ở người già và người trẻ".
Bà Britta Lange chia sẻ: "Tại sao tôi ăn ít thịt ư? Lý do chính là vì trong những năm gần đây, chúng ta có nhiều thông tin hơn về việc giết mổ động vật, chúng bị đối xử ra sao, và nguồn gốc từ đâu".
Bà Vera nói: "Ngoài vấn đề liên quan đến động vật, còn có các chất độc hại hay kháng sinh sẽ ngấm vào thịt. Điều này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Vì thế, tôi ngày càng không muốn ăn thịt".
Theo anh Florian Bussmann: "Tôi nghĩ mỗi người đều có trách nhiệm với vấn đề khí hậu. Giảm ăn thịt cũng góp phần bảo vệ môi trường, động vật và cũng tốt cho sức khỏe".
Tuy nhiên, không phải tất cả người Đức đều cho rằng ăn ít thịt là tốt. Khảo sát gần đây của nhật báo Bild cho thấy, 57% người Đức kiên quyết phản đối nhà nước thực hiện các biện pháp giảm tiêu thụ thịt. Một số người ăn ít thịt lại vì những lý do khách quan.
Bà Majda Siketic nói: Tôi ăn ít thịt hơn đơn giản là vì giá cả tăng cao, bạn tôi cũng vậy".
"Có nên ăn ít thịt hơn" đang là cuộc tranh luận ở nhiều nước, không riêng gì ở Đức. Và đây là lý do để thị trường thịt chay bắt đầu phát triển mạnh. Theo ước tính của Barclays, khi công nghệ tiến bộ, hương vị và sự đa dạng của các loại thịt thay thế được cải thiện, doanh thu của ngành này có thể đạt 140 tỷ USD vào năm 2029, chiếm khoảng 10% thị trường thịt thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!