Theo trang tin Euronews, hộ chiếu vaccine hay "hộ chiếu miễn dịch" là một khái niệm đã sớm xuất hiện trong đại dịch, cho phép những người được cho là miễn nhiễm với COVID-19 có thể tự do di chuyển. Khi vaccine đã ra đời, ý tưởng về loại hộ chiếu đặc biệt này bao gồm thêm cả ý nghĩa chứng nhận khả năng miễn dịch của người sở hữu hộ chiếu.
Tổ chức Y tế thế giới không khuyến nghị sử dụng "hộ chiếu vaccine", mà cho rằng các nước nên dựa vào dữ liệu dịch bệnh để điều chỉnh hướng dẫn đi lại cho phù hợp.
Trang MIT Technology review có bài viết: Chúng ta có cần phải có hộ chiếu vaccine trên điện thoại không? khi nhiều nước đang xây dựng hệ thống để triển khai hộ chiếu này.
Nhiều chuyên gia ca ngợi "hộ chiếu vaccine" là cách để chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng nguy cơ về xâm phạm quyền riêng tư và phân biệt đối xử cũng là vấn đề gây lo ngại rất lớn.
Hành khách đeo khẩu trang phòng COVID-19 trên một chuyến tàu điện tại London (Anh) ngày 15/10. Ảnh: Reuters
Báo Independent của Anh cho rằng, hộ chiếu vaccine được tạo dựng dựa trên thông tin sức khỏe nhạy cảm của một cá nhân, tạo ra sự phân biệt giữa mọi người chỉ dựa trên tình trạng sức khỏe, và sau đó có thể được sử dụng để xác định mức độ tự do đi lại hay quyền lợi một cá nhân có thể được hưởng.
Rất nhiều sáng kiến phát triển "hộ chiếu vaccine" đang được triển khai ở Anh và nước ngoài, nhưng các chuyên gia Anh khuyến cáo chỉ sử dụng loại hộ chiếu này trên diện rộng khi mà tất cả mọi người đã được tiếp cận vaccine.
MIT Technology review chỉ ra một số vấn đề khác của hộ chiếu vaccine. Trước hết, kiểm tra hộ chiếu vaccine là điều khó thực hiện, vì chưa có quốc gia nào hiện nay bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chưa kể có trường hợp những người có tiền sử dị ứng nặng hoặc phụ nữ có thai được khuyến cáo tiêm vaccine cho tới khi có thêm nhiều kiểm nghiệm.
Tiếp nữa, để kết nối các hệ thống kiểm tra hộ chiếu vaccine giữa các nước cũng là thách thức lớn. Nó đòi hỏi phải một nền tảng ngôn ngữ và dữ liệu cực lớn, cùng luật về quyền riêng tư.
Và vấn đề tiếp theo là hộ chiếu vaccine điện tử sẽ là rào cản đối với những người vốn đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đại dịch, người già, người nghèo, người vô gia cư - những người không có điện thoại thông minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!