Bé gái sinh thường tại Bệnh viện Tưởng niệm Jose Fabella ở Manila, Philippines được ghi nhận là công dân thứ 8 tỷ của thế giới. (Ảnh: Manila Bulletin)
Công dân thứ 8 tỷ của thế giới được đặt tên là Vinice Mabansag. Bác sĩ Romeo Bituin, Giám đốc chuyên môn y tế của Bệnh viện Tưởng niệm Jose Fabella, Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở thủ đô Manila - nơi bé gái chào đời, cho biết: "Đây là một ca sinh thường".
Giám đốc hành chính của Ủy ban Dân số và Phát triển Philippines (POPCOM) thuộc Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), bà Lyneth Therese Monsalve hy vọng, bé Venice sẽ là biểu tượng của sự phát triển trong tương lai.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính, dân số thế giới có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2037. Theo UNFPA, sự tăng trưởng này là do tuổi thọ của con người tăng nhờ những tiến bộ về sức khỏe cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và thuốc men. Đây cũng là kết quả của mức sinh cao, bền vững ở nhiều quốc gia.
Dân số toàn cầu hiện đang tăng chậm nhất kể từ năm 1950, theo đó, năm 2020 tăng ở mức dưới 1%. Dự báo dân số năm 2022 cũng cho thấy mức sinh giảm rõ rệt trong những thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia.
Hiện tại, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh một phụ nữ dưới 2,1 lần sinh nở trong đời. Dân số của 61 quốc gia hoặc khu vực được dự báo giảm ít nhất 1% trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2050, do mức sinh thấp và tỷ lệ di cư tăng cao. Đại dịch COVID-19 trong 3 năm trở lại đây cũng khiến số người mang thai và tỷ lệ sinh giảm đáng kể.
Theo Liên Hợp Quốc, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số toàn cầu là việc tuổi thọ tiếp tục tăng lên 72,8 năm vào năm 2019, cao hơn 9 năm so với năm 1990. Đến năm 2050, tuổi thọ trung bình vào khoảng 77,2 năm. Kết quả này có nghĩa là tỷ lệ những người hơn 65 tuổi sẽ tăng từ 10% vào năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Xu hướng dân số già hóa sẽ tác động đến thị trường lao động và hệ thống hưu trí quốc gia khi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng cao.
Liên Hợp Quốc dự báo, Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đông dân nhất thế giới hiện tại - sẽ hoán đổi vị trí vào năm 2030. Theo đó, dân số Trung Quốc từ 1,4 tỷ người giảm xuống còn 1,3 tỷ người vào năm 2050. Đến cuối thế kỷ 21, dân số Trung Quốc có thể giảm xuống còn 800 triệu người. Trong khi đó, dân số Ấn Độ sẽ đạt 1,7 tỷ người vào năm 2050.
Dự báo, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến đến năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Cộng hòa Tanzania.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!