COVID-19 đe dọa niềm tự hào "không biên giới" của Liên minh châu Âu

Thanh Hiệp (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 16/03/2020 17:21 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ vướng phải những rào cản biên giới bên ngoài, EU còn đang chứng kiến những rào cản được dựng lên ngay bên trong nội bộ Liên minh.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố lệnh tạm cấp nhập cảnh với du khách từ châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày để phòng lây lan dịch bệnh, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã ngay lập tức lên tiếng phản đối quyết định này. Thế nhưng giờ đây, không chỉ vướng phải những rào cản biên giới bên ngoài, EU còn đang chứng kiến những rào cản được dựng lên ngay bên trong nội bộ Liên minh.

Sự trở lại của những đường "biên giới cứng"

Theo tờ Telegraph, những đường "biên giới cứng" đã quay trở lại châu Âu khi hàng loạt quốc gia thành viên phớt lờ lời kêu gọi từ Ủy ban châu Âu về việc chỉ nên áp dụng các biện pháp soi chiếu dịch tễ tại biên giới. Bắt đầu từ hôm thứ Bảy (14/3), một loạt các quốc gia EU đã đồng loạt công bố kế hoạch đóng cửa biên giới của mình, với lý do ngăn chặn dịch bệnh, trong đó bao gồm cả các nước tham gia Hiệp ước về tự do đi lại Schengen.

Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Síp, Malta, Slovakia và Litva đều đã cấm hoặc hạn chế người nước ngoài nhập cảnh. Trước đó, những biện pháp soi chiếu dịch tễ, hạn chế người từ các quốc gia có dịch nhập cảnh cũng đã được triển khai tại Áo, Hungary, Đức, Slovenia. Tây Ban Nha cũng vừa nối gót Italia tiến hành phong tỏa toàn quốc, trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng khó kiểm soát.

COVID-19 đe dọa niềm tự hào không biên giới của Liên minh châu Âu - Ảnh 1.

Đan Mạch đóng cửa biên giới với người nước ngoài để ngăn chặn dịch bệnh (Nguồn: AFP)

Đi lại tự do giữa các nước thành viên, một trong những niềm tự hào của Liên minh châu Âu, và đồng thời cũng mang lại lợi ích lớn cho hơn 400 triệu công dân các nước EU, giờ đây, trớ trêu thay lại bị coi là một trong những yếu tố khiến dịch bệnh lây lan mạnh, theo lập luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cũng đã phải tuyên bố châu Âu giờ là tâm dịch toàn cầu, chứ không còn là Trung Quốc - quốc gia nơi COVID-19 bùng phát.

"Niềm tự hào của châu Âu" bị đe dọa

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại EU hàng ngày thậm chí còn cao hơn tại Trung Quốc thời kỳ đỉnh dịch, chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng học hỏi những kinh nghiệm thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc, bao gồm cả các biện pháp hạn chế đi lại. Giới chức EU không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế này, tuy nhiên vẫn có những tuyên bố phản đối.

COVID-19 đe dọa niềm tự hào không biên giới của Liên minh châu Âu - Ảnh 2.

Những hàng rào dựng lên giữa lòng châu Âu (Nguồn: Schengenvisainfo)

Ngay sau khi một số nước thành viên công bố kế hoạch đóng cửa biên giới, bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - đã đưa ra tuyên bố phản đối: "Một số biện pháp kiểm soát nhất định là điều có thể hiểu được, nhưng các lệnh cấm đi lại nói chung không được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất. Bất kỳ biện pháp nào được thực hiện đều phải có tác dụng tương xứng. Những gì chúng ta có thể làm và nên làm là tăng cường các biện pháp dịch tễ, kiểm tra sức khỏe".

COVID-19 đe dọa niềm tự hào không biên giới của Liên minh châu Âu - Ảnh 3.

Kiểm tra sức khỏe tại biên giới Đức (Nguồn: DW)

Theo Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên khu vực đi lại tự do Schengen có quyền tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, thời gian và phạm vi của các biện pháp này nên được giới hạn ở mức tối thiểu và chỉ nên sử dụng như một biện pháp cuối cùng.

Thế nhưng theo hãng truyền thông Bloomberg, những biện pháp đóng cửa như vậy đang xuất hiện thường xuyên một cách đáng ngạc nhiên, ít nhất là 7 lần, kể từ hồi tháng 10 năm ngoái tới nay. Sự đe dọa đối với "niềm tự hào của châu Âu" được dự báo sẽ còn gia tăng, cùng với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch COVID-19. Ủy ban châu Âu hiện đã bày tỏ quan ngại về động thái này và cho rằng "việc đóng cửa biên giới là đi ngược lại với thực tế tất yếu hiện tại là cần phải thể hiện tình đoàn kết thực sự của Liên minh châu Âu".

Những hàng rào ngăn chặn các thiết bị y tế

Sự tắc nghẽn không chỉ xảy ra với những dòng người dịch chuyển mà còn cả với các thiết bị y tế - yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Một trong những mục tiêu hàng đầu của giới chức y tế EU là ngăn chặn khả năng thiếu hụt các thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang. Thế nhưng chưa đầy một ngày sau khi giới chức EU đồng ý chia sẻ thông tin về lượng dự trữ thiết bị y tế thiết yếu nhằm cải thiện khả năng phân bổ nguồn lực giữa các nước, Rumani đã tuyên bố cấm xuất khẩu các sản phẩm thiết bị y tế cá nhân. Một quốc gia khác là Hungary phàn nàn rằng 120.000 khẩu trang xuất sang nước này đã bị giữ lại tại cảng Hamburg, Đức. Các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ Đức và Pháp trước đó cũng vấp phải sự phản đối từ nhiều nước và gây lo ngại có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt ở các thị trường khác trong khối.

COVID-19 đe dọa niềm tự hào không biên giới của Liên minh châu Âu - Ảnh 4.

Nhiều nước EU hạn chế xuất khẩu các thiết bị y tế như khẩu trang (Nguồn: Reuters)

Ông Janez Lenarcic, Ủy viên Hội đồng Xử lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu, cho rằng việc các nước đơn phương đưa ra những quyết định cấm xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế khác "có nguy cơ làm suy yếu cách tiếp cận tập thể" của khối nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tác động kinh tế từ các biện pháp đóng cửa

Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, tăng trưởng kinh tế ở châu Âu đã gần như bằng 0. Một số chuyên gia cho rằng việc phong tỏa hoàn toàn nhiều vùng rộng lớn của các quốc gia EU có thể dẫn tới những thiệt hại kinh tế lớn hơn cả thiệt hại về mặt sức khỏe. Du lịch và hàng không sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng trước tiên. Tiếp đến là các chuỗi cung ứng. Volkswagen, người khổng lồ ngành sản xuất xe hơi của EU, vốn đang phải vật lộn vì chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị gián đoạn, nay nhận thêm một "cú đấm" nữa khi không thể tiếp cận dây chuyền sản xuất linh kiện ở miền Bắc Italy.

COVID-19 đe dọa niềm tự hào không biên giới của Liên minh châu Âu - Ảnh 5.

Dịch COVID-19 đe dọa chuỗi cung ứng tại châu Âu (Nguồn: Reuters)

"Chúng ta đang ở trong một thế giới mà những virus như thế này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và thường xuyên hơn. Nếu lần nào các quốc gia cũng phản ứng như vậy, chúng ta sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế suy sụp" - ông Francois Bricaire, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - thành viên của Viện Y học Pháp, cảnh báo.

Khó khăn cho các lao động xuyên biên giới

Hãng phát thanh - truyền hình Đức DW chỉ ra một vấn đề khác đó là sự thiếu hụt lao động xuyên biên giới do chính sách đóng cửa của các quốc gia. Điều này khiến nhiều lao động không thể di chuyển tới nơi làm việc ở các nước khác hoặc e ngại di chuyển do lo sợ bị mắc kẹt trong thời gian dài.

Trong trường hợp các biện pháp đóng cửa biên giới được triển khai trên quy mô rộng hơn, thiệt hại sẽ là rất lớn bởi theo ước tính của EU, hiện có tới 1,47 triệu người cư trú tại một quốc gia thành viên EU này nhưng lại làm việc ở một quốc gia khác. Mặc dù có những công việc có thể cho phép người lao động làm việc từ xa nhưng nhiều vị trí khác lại đòi hỏi nhân viên luôn phải có mặt tại nơi làm việc.

Italy hiện đang phụ thuộc vào một lượng lớn lao động từ Đông Âu làm việc trong các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe và siêu thị. Khi các lao động tuyến đầu bị ốm hoặc cách ly, quốc gia Nam Âu này phải đối mặt với việc thiếu nguồn cung lao động bổ sung do biên giới đóng cửa.

COVID-19 đe dọa niềm tự hào không biên giới của Liên minh châu Âu - Ảnh 6.

Nhiều nhân viên y tế tại Italy là lao động từ các nước Đông Âu (Nguồn: DW)

Bà Isilda Mara, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Vienna, lo ngại: "Sự thiếu hụt các nhân viên y tế và điều dưỡng không phải là một hiện tượng mới. Gần 24% dân số Italy ở độ tuổi trên 65, do đó nhu cầu đối với nhóm lao động này là rất cao".

Bên cạnh đó, các lao động xuyên biên giới tại EU cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro về pháp lý, như nhận định của ông Hilmar Schneider, Giám đốc điều hành Viện Kinh tế Lao động có trụ sở tại Bon (Đức): "Không giống như sự vắng mặt do bệnh tật, sự vắng mặt do đóng cửa biên giới không được trả phí bảo hiểm và còn cung cấp cho doanh nghiệp lý do để ngừng trả lương cho người lao động".

Bà Isilda Mara cũng bày tỏ lo ngại: "Gần 2/3 số lao động xuyên biên giới làm những công việc đòi hỏi trình độ học vấn thấp, do đó dễ bị tổn thương hơn vì các biện pháp đóng cửa biên giới".

* Tham khảo nguồn: Bloomberg, DW, Telegraph, Eutimes, AP

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước