Nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo về các tác động nghiêm trọng về mặt tâm lý của đại dịch COVID-19 cho trẻ em và đây đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y.
Gia đình Borkdorf đã ở Berlin, Đức đã 1 năm 9 tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Họ vẫn vui vì mọi thành viên đều khỏe mạnh nhưng đại dịch đã ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của họ. Bé trai của gia đình Borkdorf cho biết: "Em thấy rất buồn, chẳng muốn làm gì cả, giống như trầm cảm vậy".
Cảm giác này sẽ không mất đi, kể cả khi các trường học ở Berlin đã mở cửa trở lại. Nhiều trẻ em bị ám ảnh tâm lý, tỏ ý lo sợ một đợt phong tỏa mới sẽ lại diễn ra.
Tương tự, các trường học ở New Delhi, Ấn Độ cũng đã mở cửa lại, nhưng học sinh vẫn chưa quay trở lại lớp. Trong suốt 17 tháng, sự yên ắng bao trùm lên các dãy bàn ghế. Những chiếc máy tính đang dần thay thế bảng đen, đồng hành cùng chặng đường học tập của các học sinh.
Một phần tuổi thơ của trẻ em đã bị dịch bệnh đánh cắp. (Ảnh: Getty)
Những điều đơn giản như được gặp gỡ bạn bè giờ lại là xa xỉ đối với những học sinh này. Giới chức Ấn Độ cho biết, việc học sinh có quay trở lại trường học hay không sẽ do cha mẹ quyết định, nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh không yên tâm khi để con mình đến lớp học trực tiếp.
Nhiều trường học đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới như khử trùng và đảm bảo giãn cách bàn học. Tuy nhiên, ngay cả các thầy cô giáo cũng xác nhận rằng, việc trở lại lớp theo quy định bình thường mới sẽ không thể giúp các em có được kỷ niệm thơ ấu như trước khi dịch bùng phát.
Chính bản thân các cô giáo cũng là những bà mẹ và hơn ai hết, họ hiểu rằng khi dịch chưa hoàn toàn được kiểm soát, một phần tuổi thơ của những học sinh này đã bị dịch bệnh đánh cắp. Những cái ôm giữa cô và trò, những lần lên bảng phát biểu chắc chưa thể trở thành hiện thực ngay lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!