Phụ nữ bị mất việc làm xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Arkansas, Mỹ. (Ảnh: AP)
Đây là thông tin do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố.
Theo ILO, nữ giới có nguy cơ bị sa thải hoặc giảm số giờ làm việc cao hơn trong thời kỳ đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lưu trú, dịch vụ ăn uống và sản xuất. Nhiều phụ nữ không chỉ bị giảm nghiêm trọng hoặc mất thu nhập mà còn phải hứng chịu gánh nặng của cá công việc chăm sóc không được trả lương.
Trong một báo cáo, ILO cho biết: "Mặc dù mức tăng trưởng việc làm dự kiến trong năm 2021 đối với phụ nữ cao hơn nam giới, nhưng sẽ không đủ để đưa phụ nữ trở lại mức việc làm trước khi đại dịch diễn ra".
Nhân viên thu ngân tại một siêu thị ở Miami, Mỹ. (Ảnh: Getty)
Trên toàn cầu, từ năm 2019 đến năm 2020, 4,2% số lượng việc làm của phụ nữ đã bị mất do hậu quả của đại dịch (so với tỷ lệ chỉ 3% của nam giới), tương đương giảm 54 triệu chỗ làm, (con số tương ứng đối với đàn ông là 60 triệu công việc).
Số phụ nữ có việc làm vào năm 2021 dự kiến sẽ ít hơn 13 triệu so với năm 2019, trong khi số lượngđàn ông có việc làm dự kiến sẽ tương đương với năm 2019.
ILO nhấn mạnh: "Chỉ 43,2% phụ nữ trong độ tuổi lao động trên thế giới sẽ được tuyển dụng trong năm 2021, so với mức 68,6% ở nam giới".
Châu Mỹ có mức giảm việc làm của phụ nữ do đại dịch lớn nhất với tỷ lệ 9,4% và triển vọng công việc vẫn còn ảm đạm đối với nữ giới ở khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!