Thả muỗi đực đã triệt sản ra môi trường nhằm giảm số lượng muỗi sinh sôi

An Ngọc-Chủ nhật, ngày 23/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Đây là biện pháp làm giảm số lượng muỗi sinh sôi - một phần của dự án thí điểm tập trung vào việc diệt trừ loài muỗi hổ châu Á xâm lấn tại Croatia.

Vào tháng 6 vừa qua, dự án Zagreb đã được tiến hành tại thủ đô của Croatia, với việc thả 100 nghìn con muỗi vào khu vực có nguy cơ cao với tán lá dày vốn là nơi muỗi thường tập trung. Đây là những con muỗi đực đã được triệt sản bằng tia gamma. Khi giao phối với muỗi cái, chúng sẽ không thể sản sinh ra muỗi con.

Đây là biện pháp làm giảm số lượng muỗi sinh sôi - một phần của dự án thí điểm tập trung vào việc diệt trừ loài muỗi hổ châu Á xâm lấn được biết là mang mầm bệnh như sốt xuất huyết, chikungunya và zika. Loài muỗi hổ châu Á dường như phát triển mạnh tại Croatia trong những năm gần đây, một phần do biến đổi khí hậu. Thời tiết ấm hơn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiệt đới.

Thả muỗi đực đã triệt sản ra môi trường nhằm giảm số lượng muỗi sinh sôi - Ảnh 1.

Bà Ana Klobucar - Viện Giảng dạy Y tế công cộng, thành phố Zagreb, Croatia cho biết: "Nếu chúng tôi thả đủ số lượng muỗi đực vô sinh trong một khoảng thời gian nhất định ở một khu vực, thì quần thể muỗi ở khu vực đó sẽ giảm".

Những con muỗi này được lấy từ một phòng thí nghiệm ở Italy, trải qua quãng đường vận chuyển 500 km tới Croatia trong những chiếc hộp đặc biệt. Sau khi nhận được lô hàng đặc biệt này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tán chúng ở những khu vực mục tiêu, thay vì biện pháp thông thường là phun thuốc muỗi.

Ông Hicham Naoulo - Thành phố Zagreb, Croatia nói: "Tôi ủng hộ sáng kiến này. Thật tốt khi sử dụng càng ít hóa chất càng tốt để diệt trừ muỗi. Tôi hy vọng việc này sẽ thành công, tôi tin vào điều đó".

Dự án của Croatia diễn ra khi ngày càng có nhiều cảnh báo từ giới chuyên gia, rằng, sự nóng lên toàn cầu có thể khiến nhiều vùng ở châu Âu dễ bị các bệnh truyền nhiễm lây lan do muỗi đốt. Trước đó, Hy Lạp cũng từng thử nghiệm phương pháp này, kết quả là giảm 90% số lượng muỗi hổ châu Á.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước