Đây là thống kê theo dữ liệu khảo sát được thu thập trong hai tuần đầu tiên của tháng 6 tại Mỹ.
Dữ liệu cho thấy, nhìn chung cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người có các triệu chứng COVID kéo dài trong ba tháng hoặc lâu hơn sau lần đầu mắc bệnh. Các triệu chứng này họ không mắc phải trước khi nhiễm COVID-19.
Dữ liệu được Cục Điều tra dân số Mỹ thu thập từ ngày 1 - 13/6 và được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ phân tích.
Các triệu chứng COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, khó khăn về nhận thức, đau mãn tính, bất thường về cảm giác và yếu cơ. Họ có thể bị suy nhược và các triệu chứng có thể kéo dài hàng tuần hoặc vài tháng sau khi phục hồi từ lần nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Tỷ lệ mắc các triệu chứng COVID kéo dài thay đổi theo độ tuổi, giới tính, khu vực sống và chủng tộc. (Ảnh: Reuters)
Phân tích của CDC cũng cho thấy, những người trẻ tuổi có nhiều khả năng mắc các triệu chứng dai dẳng hơn so với người lớn tuổi.
Theo nghiên cứu, phụ nữ có nhiều khả năng mắc COVID kéo dài hơn so với nam giới, với 9,4% phụ nữ trưởng thành ở Mỹ báo cáo các triệu chứng COVID kéo dài so với 5,5% nam giới.
Cuộc khảo sát cho thấy, gần 9% người trưởng thành gốc Tây Ban Nha mắc triệu chứng COVID kéo dài, cao hơn so với người da trắng và da màu không phải gốc Tây Ban Nha, và cao hơn gấp đôi tỷ lệ người trưởng thành châu Á không phải gốc Tây Ban Nha tại Mỹ.
Bên cạnh đó, có sự khác biệt theo các bang tại Mỹ, trong đó các bang Kentucky và Alabama báo cáo tỷ lệ người lớn mắc các triệu chứng COVID kéo dài cao nhất, trong khi Hawaii, Maryland và Virginia ở mức thấp nhất, theo cuộc khảo sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!