Ngày 25/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ để bàn về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria vốn gây bất đồng trong nội bộ NATO. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, sau đó đơn phương ký thỏa thuận an ninh với Nga mà không tham vấn với NATO. Những quyết định đầy bất ngờ của hai nước thành viên được cho là đang làm suy yếu vai trò của NATO.
Theo nội dung của thỏa thuận ký với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tái khởi động chiến dịch quân sự tại Syria chừng nào mục tiêu chính của chiến dịch này là YPG tuân thủ việc rút quân. Chỉ vài giờ trước khi lệnh ngừng bắn tạm thời của Thổ Nhĩ Kỳ do Mỹ đề nghị tại Syria kết thúc, Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết Bản ghi nhớ cho phép Lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) rút lui cách biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất 30km và một hành lang an toàn dài 120km, rộng 32km từ biên giới vào sâu lãnh thổ Syria sẽ do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Thỏa thuận đánh dấu sự trở lại của quân đội chính quyền Damascus tại Đông Bắc Syria khi lính biên phòng Syria cùng quân cảnh Nga giám sát quá trình rút quân của YPG trong 150 giờ trước khi lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra chung dọc theo hành lang an toàn.
Cộng đồng quốc tế đã ngay lập tức tỏ rõ sự quan tâm và đánh giá cao thỏa thuận mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được nhằm chấm dứt xung đột ở miền Bắc Syria. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận trên là thắng lợi toàn diện khi nước này với sự hậu thuẫn của Nga giành được quyền kiểm soát một phần lãnh thổ Syria trước mối đe dọa khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc và chủ trương ly khai, vừa có thể giải quyết vấn đề hồi hương người tị nạn đang khiến Liên minh châu Âu (EU) đau đầu nhằm thương thảo gia nhập EU.
Những gì mà người ta có thể nhìn thấy khá chắc chắn hiện nay là Mỹ đã không còn là một nhân tố đáng kể tại Syria nữa. Tuy nhiên, những người am hiểu về Trung Đông thấy rằng còn quá xa để nói thế cục Syria đã ngã ngũ. Nguyên nhân là do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là cùng chiến tuyến, nhưng thực ra bên trong mối quan hệ này vẫn còn rất nhiều vấn đề. Iran không dễ gì chấp nhận mọi thứ tuân theo tầm nhìn của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang đứng về những phía đối lập tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng vậy. Khi tại Syria vẫn còn đang tồn tại “5 phe 7 phái”, mâu thuẫn lợi ích cốt lõi với nhau, sẽ rất khó để nói tình hình Syria có thể bình ổn được.
Như vậy, có thể nói rằng thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã giúp Moscow tiếp tục khẳng định sự hiện diện của mình như một nhân tố chủ chốt trên bàn cờ chiến lược tại Syria bên cạnh quân đội của cả Damascus và Ankara, qua đó củng cố và mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!