Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo.
Theo báo cáo, Mỹ đã cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Ông Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga - đã cảnh báo vào ngày 19/11 rằng những hành động như vậy sẽ đủ điều kiện là mối đe dọa dẫn đến phản ứng hạt nhân theo học thuyết hạt nhân mới mà Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành trong ngày 19/11.
Để đáp trả một cuộc tấn công như vậy, "Nga có quyền trả đũa bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Kiev và các cơ sở quan trọng của NATO, bất kể chúng ở đâu" - ông Medvedev tuyên bố - "Và điều này sẽ tương đương với Thế chiến III".
Các cuộc tấn công không hạn chế sử dụng vũ khí của phương Tây là một phần trong "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine Zelensky đã được trình lên Tổng thống Mỹ vào tháng 9. Sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Hoa Kỳ đương nhiệm được một số đồng minh của Washington xác nhận, diễn ra sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 này.
ATACMS được coi là tên lửa tầm xa và có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 300 km (Ảnh: AFP / Getty Images)
Chính trị gia đảng Cộng hòa, Tổng thống Mỹ đắc cử Trump tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025. Một số người ủng hộ thân cận của ông đã cáo buộc Tổng thống dương nhiệm Biden cố gắng thúc đẩy chính quyền mới kéo dài tình trạng thù địch với Nga bằng quyết định (cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga) của mình.
Mặc dù Washington chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề khu vực Tây bán cầu Brian Nichols đã nói với báo Brazil O Globo vào ngày 19/11 rằng các cuộc không kích của Ukraine sau sự cho phép của ông Biden có thể thúc đẩy Nga đàm phán hòa bình.
Vào tháng 9, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra cảnh báo cho các quốc gia thành viên NATO, mà ông Zelensky đang vận động để cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào Nga. Kiev không có khả năng phóng tên lửa của phương Tây nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp của các quốc gia tài trợ, vì vậy bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy sẽ khiến NATO và Nga trực tiếp gây chiến với nhau - nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Học thuyết hạt nhân được cập nhật của Nga đưa ra một số thay đổi, một trong số đó nêu rằng một cuộc tấn công của một quốc gia nước ngoài không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn nên được coi là một cuộc tấn công chung của cả hai nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!