Ngày 17/11, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga.
Phản ứng trước thông tin trên, ngày 19/11, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: "Phản ứng của Moscow đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của phương Tây trên lãnh thổ Nga sẽ là phù hợp và kiên quyết".
"Việc Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga sẽ có nghĩa là Mỹ và các đồng minh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến chống lại Nga, đồng thời làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột. Trong trường hợp này, phản ứng của Nga sẽ là phù hợp và tương ứng", bà Zakharova nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Nga lưu ý rằng: "Vẫn chưa rõ liệu những tin tức như vậy có dựa trên các nguồn chính thức hay không. Thực tế cho thấy các nước phương Tây dường như đang dựa vào sự leo thang tối đa của cuộc xung đột, cố gắng đạt được mục tiêu ảo tưởng là ‘đánh bại Moscow về mặt chiến lược’. Bất kể ông Zelensky và đồng minh nỗ lực ra sao thì cũng không có 'vũ khí kỳ diệu' nào đủ khả năng ảnh hưởng đến tiến trình của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: TASS)
Ngày 17/11, sau khi xuất hiện thông tin do tờ New York Times đăng tải, tờ Le Figaro của Pháp đưa tin rằng Pháp và Vương quốc Anh đã làm theo và cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow của họ cho mục đích này. Tuy nhiên, sau đó, hai tờ báo đã xóa bài báo này khỏi trang web của mình mà không đưa ra lời giải thích nào.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết Paris không thay đổi lập trường về các cuộc tấn công bên vào bên trong nước Nga. Trong khi, Chính phủ Đức cho biết Hoa Kỳ đã thông báo cho Berlin về quyết định của ông Biden.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/9 từng tỏ rõ quan điểm rằng quyết định tiềm tàng sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây chống lại Nga sẽ có nghĩa là Hoa Kỳ và các nước NATO khác trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Putin cảnh báo, trong trường hợp đó, Nga sẽ phải đưa ra các quyết định tương ứng xuất phát từ các mối đe dọa mà nước này sẽ phải đối mặt. Ông cũng lưu ý rằng Ukraine không thể tấn công bên trong nước Nga nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây vì điều này sẽ đòi hỏi dữ liệu tình báo từ vệ tinh và hệ thống phòng không.
Tên lửa ATACMS (Ảnh: Defense Post)
Theo nhận định của các chuyên gia, ngay cả khi thông tin trên là chính xác thì hiệu quả của quyết định này đối với Ukraine cũng rất hạn chế. Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã để thời gian trôi quá khá lâu trước khi họ quyết định cho phép Ukraine sử dụng ATACMS để tập kích tầm xa vào bên trong nước Nga.
Lần đầu tiên Ukraine nhận được tên lửa chính xác của phương Tây là vào mùa thu năm 2022 . Những vũ khí này đã giúp Ukraine "thay đổi cuộc chơi", gây nhiều lúng túng cho Nga khi đó. Cụ thể những quả tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất đã gây thiệt hại nặng cho hệ thống kiểm soát, chỉ huy và hậu cần của Nga. Thứ vũ khí này cũng đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi của Ukraine trong các đợt tiến công ở Kherson và Kharkov.
Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm trước. Từ đó tới nay, Nga đã có thêm nhiều thời gian để thích ứng, bằng cách bố trí phân tán các trung tâm hậu cần và điểm tập kết quân và bằng cách phát triển năng lực gây nhiễu cũng như đánh chặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!