Thế giới từng ghi nhận đỉnh điểm 750.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Trong 6 tuần liên tiếp trở lại đây, con số này giảm khoảng hơn một nửa. Mặc dù số ca nhiễm chưa hẳn là thước đo hoàn hảo do các báo cáo ghi nhận còn hạn chế, xét nghiệm chưa đủ, đặc biệt tại các khu vực như châu Phi, Mỹ Latin và Nam Á, thực tế số người nhập viện giảm tại những điểm dịch "nóng" nhất trên thế giới cho thấy, việc COVID-19 "hạ nhiệt" là thật.
Theo biểu đồ về số ca nhiễm mới được ghi nhận từ ngày 1/9/2020 - 20/2/2021 do tờ New York Times đăng tải, các điểm nóng như Mỹ, Anh, các nước châu Âu còn lại, Nam Phi, Brazil đều đang có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào tuần thứ 2 của tháng 1.
Trong 28 giờ qua, Mỹ giảm hơn 60% số ca mắc COVID-19 mới, Anh 70%, Tây Ban Nha gần 70%. Mỹ là nước thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm và tử vong. Sáng 23/2, Mỹ đã tổ chức lễ tưởng niệm 0,5 triệu người tử vong do COVID-19, nhiều hơn cả số người Mỹ chết trong thế chiến. Chính vào thời điểm này, nước Mỹ đã nhìn thấy những tín hiệu tích cực đầu tiên trên con đường đương đầu với đại dịch. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong mỗi ngày đã giảm đáng kể, trong khi chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 được triển khai tích cực. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, vẫn còn những thách thức lớn ở phía trước.
Giới y tế Mỹ đánh giá, vaccine đang là vũ khí hiệu quả để đối phó với dịch bệnh. Hơn 64 triệu liều vaccine đã được chuyển đi khắp nước Mỹ. Khoảng 13% dân số Mỹ đã được tiêm ngừa ít nhất 1 liều.
Vaccine đang là vũ khí hiệu quả để đối phó với dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: AP)
Ấn Độ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 thứ 2 thế giới, cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới mỗi ngày giảm mạnh, từ mức đỉnh 100.000 ca mỗi ngày nay xuống còn khoảng 11.000 ca. Mức giảm tới 90% số ca nhiễm mới này đã khiến giới chuyên gia ngạc nhiên.
Còn tại khu vực châu Âu, Nga cũng có những dấu hiệu tích cực. Nga là nước đầu tiên trên thế giới cấp phép vaccine phòng COVID-19 và triển khai chương trình tiêm chủng đại trà từ rất sớm. Số các ca nhiễm mới COVID-19 tại Nga trong những ngày gần đây đang giảm mạnh. Ngày 23/2, Nga ghi nhận dưới 12.000 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Xu hướng giảm này được cho là do các biện pháp phòng ngừa và khả năng miễn dịch cộng đồng đã được hình thành trong dân cư nhờ vào những người đã khỏi bệnh và người được tiêm phòng. Có đến từ 20 - 70% dân số Nga được cho là đã miễn dịch với COVID-19, tỷ lệ này thay đổi tùy theo khu vực. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, số liệu này mới chỉ được xác định trên các trường hợp đã nhiễm COVID-19. Điều này chưa đủ để kiểm soát tình hình dịch tễ học ở Nga và các biến chủng mới của virus vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với nhiều người.
Nhận định về xu hướng COVID-19 "hạ nhiệt", Wafaa El-Sadr, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, Mỹ cho rằng: "Đây là niềm vui lớn, nhưng cũng rất mong manh. Phía cuối con đường là ánh sáng nhưng trước mắt chúng ta còn một chặng đường dài". Một giáo sư khác còn mạnh dạn dự đoán, đến cuối tháng 4, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tại xứ sở cờ hoa.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, điều này chứng tỏ, những biện pháp phòng dịch đơn giản có hiệu quả ngay cả khi biến thể virus mới xuất hiện. Vấn đề hiện nay là chúng ta sẽ xử lý như thế nào trước xu hướng này. Dịch bệnh vẫn chưa được dập tắt nhưng đang dần thu hẹp phạm vi, nếu chúng ta ngừng chiến đấu, nó sẽ lại bùng lên.
Lạc quan nhưng không được chủ quan là nhận định chung hiện nay. Và một điều rõ ràng là việc dịch COVID-19 lắng xuống tại nhiều ổ dịch trên thế giới đang tạo cơ hội "vàng" để kìm hãm sự lây lan của virus, trong khi vaccine bắt đầu có tác dụng. Các biện pháp như đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội vẫn phải được chú trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!