Tờ The Economist đã có bài phân tích khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được ban hành để phòng chống đại dịch COVID-19, hầu hết các văn phòng trên khắp thế giới bị bỏ trống. Giờ đây đại dịch đã kéo dài sang năm thứ ba, "số phận" của các tòa nhà này vẫn chưa rõ ràng. Liệu các tòa nhà văn phòng còn có thể tiếp tục thu hút vốn đầu tư và nhân tài hay các mô hình làm việc mới sẽ thống trị?
Đại dịch đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về tương lai của các khu trung tâm thương mại và tài chính trên thế giới. Các trung tâm tài chính như Manhattan (Mỹ), London (Anh), Marunouchi (Tokyo, Nhật Bản) và La Défense (Paris, Pháp) phải gánh chịu hậu quả của xu hướng làm việc tại nhà. Theo số liệu của tập đoàn kiểm toán EY và tổ chức nghiên cứu Urban Land Institute, trước đại dịch, 21 trung tâm tài chính lớn nhất trên thế giới là nơi làm việc của 4,5 triệu người. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của khoảng 20% các công ty thuộc Fortune Global 500 - bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số.
Xu hướng làm việc tại nhà đã khiến nhu cầu thuê văn phòng giảm mạnh, với tỷ lệ văn phòng trống ở các khu trung tâm tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác. Ở cấp độ toàn cầu, tỷ lệ văn phòng không có người sử dụng đã tăng từ 8% trước dịch COVID-19 lên 12%. Tại London, 18% số văn phòng bị bỏ trống, còn ở New York và San Francisco, tỷ lệ này lần lượt là 16% và 20%.
Ông Omotayo Okusanya - Chuyên gia phân tích, Quỹ đầu tư bất động sản Mizuho Americas cho biết: "Theo tôi, vấn đề là có bao nhiêu người sử dụng văn phòng cùng lúc Có nhiều công ty sử dụng hình thức chia sẻ văn phòng, nơi tầng một của tòa nhà được cho thuê làm cửa hàng bán lẻ".
Nhưng khi các biến thể mới của virus lần lượt xuất hiện, kế hoạch đưa nhân viên quay trở lại văn phòng của hàng loạt công ty đã liên tục bị trì hoãn. Do đó, nhiều công ty đã nghĩ đến giải pháp thay đổi mô hình và lĩnh vực kinh doanh.
"Một điển hình là công ty cổ phần bất động sản Alexandria, giờ họ đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ sinh học và khoa học ứng dụng. Mà trong lĩnh vực đó, bạn phải thực hiện nhiều công việc trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, họ vẫn cần có không gian văn phòng. Họ không thể làm việc từ xa, cho nên tôi nghĩ rằng nhu cầu về không gian văn phòng vẫn sẽ tăng mạnh", ông Omotayo Okusanya nói.
Theo một cuộc khảo sát các nhà đầu tư có tài sản hơn 50 tỷ USD do công ty bất động sản CBRE của Mỹ thực hiện, nhà đầu tư quan tâm đến các thị trường như Phoenix và Denver hơn là New York và Chicago. Công ty tư vấn bất động sản, nhà ở và thương mại Knight Frank của Anh thì nhận định, các trung tâm thương mại và tài chính lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn. Các văn phòng ở London được dự báo sẽ nhận được khoảng 81 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong vài năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!