"Đại dịch trong đại dịch", tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu

Thế giới hôm nay-Thứ ba, ngày 31/08/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - WHO vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại về diễn biến dịch COVID-19 tại châu Âu. Bằng chứng là tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng tại châu lục này trong 2 tuần qua.

Theo WHO, có tới 33 quốc gia châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng hơn 10% trong 14 ngày qua và đây là mức cao rất đáng lo ngại. Yếu tố dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng cao là do nhiều nước nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch và hoạt động đi lại của người dân gia tăng.

Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đã khiến hệ thống y tế một số quốc gia châu Âu bắt đầu quá tải, dẫn đến số ca tử vong tăng. Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng tại châu Âu có phần chững lại trong 6 tuần qua. WHO bày tỏ lo ngại, châu lục này sẽ có thêm 236.000 ca tử vong do COVID-19 trước ngày 1/12 tới.

"Đại dịch trong đại dịch"

Trong làn sóng dịch mới do biến thể Delta, một điều rất lo ngại là sự gia tăng các ca mắc ở trẻ em. Riêng tại Mỹ trong tuần vừa qua có thêm hơn 180.000 ca mắc COVID-19 là trẻ em, tăng gấp 4 lần so với tuần trước đó. Với diễn biến dịch đáng lo ngại hiện nay, các chuyên gia dịch tễ học gọi biến thể Delta và các biến thể khác là "đại dịch trong đại dịch".

Các bệnh nhân COVID-19 ngày càng có độ tuổi thấp hơn, ngay cả trẻ nhỏ cũng bị nhiễm bệnh, đây chỉ là một trong rất nhiều thay đổi liên quan đến sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 so với những gì thế giới biết về nó thời kỳ đầu đại dịch.

Đại dịch trong đại dịch, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 ngày càng có độ tuổi thấp hơn

Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu kỹ về đột biến COVID-19 trước đây đều bác bỏ ý kiến cho rằng các biến thể sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nay, sự hoành hành của biến thể Delta đã khiến các nhà khoa học phải xem lại hiểu biết của mình về tốc độ biến đổi của virus thành những chủng mới có tốc độ tàn phá khủng khiếp hơn.

Bà Sharone Green - Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Trường Y Đại học Massachusetts, Mỹ cho biết: "Tất cả virus corona đều đột biến và chúng tôi hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ các đột biến này lại có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm cũng như xâm chiếm hệ miễn dịch ở mức độ đáng sợ như vậy".

So với các bệnh dịch khác, virus SARS-CoV-2 không đột biến quá nhanh. Virus này không có nhiều chất liệu di truyền khi chỉ có khoảng 15 gen, so với vi khuẩn E.coli có tới 3.000 gen. Tuy nhiên, COVID-19 có cơ chế kiểm tra di truyền khiến nó "thành thạo" trong việc tránh những lỗi sau khi nhân lên so với hầu hết các virus khác.

Một người mắc COVID-19 có thể mang tới 10 tỉ bản sao của virus, đủ để tạo ra hàng tỉ đột biến mỗi ngày. Và trong một lần nào đó, có lẽ là sau hàng tỉ tỉ lần, một đột biến ngẫu nhiên khiến cho virus trở nên nguy hiểm hơn… cùng với môi trường thuận lợi đã tạo điều kiện để các biến thể nhân lên và lây lan mạnh trong cộng đồng.

TS. Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ cho rằng: "Nếu bạn tạo cơ hội cho virus tiếp tục biến đổi, bạn đang tạo ra một lỗ hổng mà khi đó chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với một biến thể còn nguy hiểm hơn".

Đại dịch trong đại dịch, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu - Ảnh 2.

Một người mắc COVID-19 có thể mang tới 10 tỉ bản sao của virus, đủ để tạo ra hàng tỉ đột biến mỗi ngày.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất được Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc công bố, với biến thể Delta, những người nhiễm có lượng virus trong cơ thể cao gấp 300 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2. Lượng virus cao hơn đồng nghĩa virus có thể lây lan nhanh hơn. Tốc độ lây lan của biến thể Delta cao hơn 1,6 lần so với biến thể Alpha và gấp 2 lần so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học cảnh báo, thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19, bởi liên tiếp những làn sóng dịch đang tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan. Vũ khí quan trọng để ngăn chặn virus vẫn là vaccine

Theo đánh giá của các chuyên gia, 7 loại vaccine đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vẫn cho thấy hiệu quả với các biến thể hiện có, trong đó có cả biến thể Delta, nhất là trong ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng, giảm tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, trước số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, các nước cũng đang nỗ lực tăng tốc phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19.

Tìm kiếm các loại thuốc mới điều trị COVID-19

Có hai quá trình chính được cho là nguyên nhân dẫn đến cơ chế sinh bệnh của COVID-19. Giai đoạn đầu của bệnh chủ yếu là sự nhân lên của virus SARS-CoV-2, sau đó diễn tiến bệnh COVID-19 dường như được thúc đẩy bởi các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm của cơ thể đối với virus dẫn đến các tổn thương mô. Dựa trên sự hiểu biết này, các nhà khoa học đã đưa ra ba liệu pháp chính để điều trị COVID-19: thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm và liệu pháp kháng thể.

Đại dịch trong đại dịch, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu - Ảnh 3.

Virus SARS-CoV-2 không có nhiều chất liệu di truyền khi chỉ có khoảng 15 gen, so với vi khuẩn E.coli có tới 3.000 gen.

Thuốc kháng virus

Thuốc kháng virus được xem là liệu pháp tiềm năng nhất. Đó là các loại thuốc được thiết kế nhằm ngăn chặn sự sinh sản nhân lên của virus, qua đó có thể làm giảm số ca nhập viện và tử vong do COVID-19.

Cho đến nay, Remdesivir là thuốc diệt virus được nhiều nước phê duyệt nhất, đã được hơn 50 quốc gia đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Favipiravir là loại thuốc có cơ chế tương tự như Remdesivir, đã được Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Italy cấp phép sử dụng.

Một loại thuốc diệt virus SARS-CoV-2 khá tiềm năng khác là Molnupiravir được bào chế dưới dạng viên, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Sau 5 ngày, tải lượng virus của các bệnh nhân này xuống thấp đến ngưỡng không lây lan và có rất ít tác dụng phụ.

TS. John Whyte - Cựu Giám đốc chuyên môn Trung tâm đánh giá và nghiên cứu dược phẩm Mỹ cho biết: "Đây là một loại thuốc giống như Tamiflu mà chúng ta sử dụng để chữa bệnh cúm. Bây giờ chúng tôi vẫn phải thực hiện một số nghiên cứu để đảm bảo rằng loại thuốc này có hiệu quả để điều trị COVID-19. Nhưng đây chính là chiến lược cần có để chuẩn bị cho những làn sóng COVID-19 mới xuất hiện".

Đại dịch trong đại dịch, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu - Ảnh 4.

Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu

Thuốc kháng viêm

Một liệu pháp khác đó là thuốc kháng viêm. Những loại thuốc này hoạt động nhằm làm dịu các phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch. Liệu pháp này đặc biệt được áp dụng đối với các bệnh nhân thể nặng.

Loại thuốc kháng viêm phổ biến nhất trong điều trị COVID-19 được nhiều nước cấp phép sử dụng khẩn cấp đó là dexamethasone. Tổ chức Y tế thế giới đã tiến hành thử nghiệm 3 loại thuốc kháng viêm Artesunate, Imatinib và Infliximab để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng tại 52 quốc gia.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới: "Các loại thuốc này được lựa chọn thử nghiệm bởi một hội đồng chuyên gia độc lập nhằm tìm ra phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh nhân COVID-19. Artesunate hiện là thuốc điều trị sốt rét ác tính, Imatinib dành cho một số bệnh ung thư, còn Infliximab là thuốc điều trị rối loạn hệ thống miễn dịch.

Liệu pháp kháng thể

Một lựa chọn khác được các nhà khoa học tập trung phát triển để điều trị COVID-19 là liệu pháp kháng thể. Đó là dùng huyết tương người mắc COVID-19 đã phục hồi chứa các kháng thể chống lại SARS-CoV-2.

Đại dịch trong đại dịch, tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng đáng lo ngại ở châu Âu - Ảnh 5.

7 loại vaccine đã được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vẫn cho thấy hiệu quả với các biến thể hiện có, trong đó có cả biến thể Delta

Hiện nay, có 2 liệu pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể đơn dòng được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng khẩn cấp. Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy cả 2 loại thuốc trên có hiệu quả ngăn ngừa nhập viện hoặc tử vong từ 70 đến 85% ở những người có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Hai loại này đều duy trì tác dụng chống lại các biến thể SARS-CoV2 đang tồn tại hiện nay.

Hồi tháng trước, Nhật Bản đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc kháng thể Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Còn Hàn Quốc lần đầu tiên tự sản xuất thuốc điều trị COVID-19 bằng kháng thể có tên Rekirona, có tác dụng rút ngắn đáng kể thời gian hồi phục và làm giảm 54% nguy cơ bệnh trở nặng.

Cho đến nay, WHO chưa chính thức phê duyệt loại thuốc cụ thể nào đặc trị COVID-19, nhất là khi các biến chủng mới nguy hiểm liên tiếp xuất hiện. Vì thế, các nước vẫn cần thực hiện kết hợp điều trị giảm số ca bệnh nặng, tăng tốc tiêm vaccine và không lơ là chống dịch, duy trì các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Đại dịch bùng phát trở lại, 'thổi bùng' cuộc đua phát triển vaccine đặc trị biến thể Đại dịch bùng phát trở lại, "thổi bùng" cuộc đua phát triển vaccine đặc trị biến thể

VTV.vn - Khi biến thể Delta lây lan mạnh, các loại vũ khí chống biến thể cần nâng cấp lên như thế nào để thế giới đạt tới một viễn cảnh tương lai khống chế được dịch bệnh?



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước