Quang cảnh cuộc bỏ phiếu bầu thẩm phán Tòa án Công lý Quốc tế ngày 11/11/2020. (Ảnh: TTXVN)
Kết quả này có được sau 2 vòng bỏ phiếu liên tục. Ứng cử viên người Nhật, ông Yuji Iwasawa, giành được số phiếu cao nhất tại cả Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, lần lượt là 169 và 15 phiếu. Ông là người duy nhất giành được sự ủng hộ của tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tiếp đến là ứng cử viên người Đức Georg Nolte với số phiếu tương ứng 160 và 14; ứng cử viên người Trung Quốc Xue Hanqin với 155 và 13 phiếu; ứng cử viên người Slovakia Peter Tomka với 150 và 13 phiếu và ứng cử viên người Uganda Julia Sebutinde với 139 và 10 phiếu. Trong số 5 người vừa trúng cử có 3 người tái cử, gồm thẩm phán Nhật Bản, Trung Quốc và Uganda. Riêng thẩm phán người Đức là nguyên thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ (ILC).
Cuộc bỏ phiếu lần này, có 8 đại diện ứng cử vào 5 vị trí thẩm phán. Theo quy định, các ứng cử viên phải đạt số phiếu tối thiểu là 97 tại Đại hội đồng và 8 tại Hội đồng Bảo an mới được coi là trúng cử. Trong trường hợp có nhiều hơn hoặc ít hơn 5 ứng cử viên đạt số phiếu này, hai cơ quan nói trên của Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu lại cho đến khi lựa chọn được đủ.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, trực tiếp bỏ phiếu bầu thẩm phán tại Hội đồng Bảo an và Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng phái đoàn, bỏ phiếu tại Đại hội đồng. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia bầu các thẩm phán ICJ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và thành viên Liên Hợp Quốc. Năm 2008, Việt Nam cũng đã từng tham gia bỏ phiếu tại cuộc bầu cử tương tự diễn ra vào ngày 6/11 cùng năm.
Theo quy định, các cuộc bầu cử này phải được tiến hành song song tại Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) là 1 trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc và là cơ quan xét xử quốc tế duy nhất có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa các quốc gia trong tất cả các lĩnh vực luật pháp quốc tế như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, ngoại giao, lãnh sự, nhân quyền. Thẩm phán ICJ do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an bầu cử với nhiệm kỳ 9 năm, hoạt động với tư cách cá nhân và là những người đáp ứng tiêu chí về đạo đức cũng như trình độ tư pháp ở cả cấp quốc gia và quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!