Anh cân nhắc lại việc mở cửa hoàn toàn
Theo kế hoạch được Chính phủ Anh đưa ra, ngày 21/6 tới sẽ là hạn chót để nước này mở lại toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội như trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, giới y tế nước này đang kêu gọi Chính phủ Anh lùi kế hoạch bởi sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta, biến thể được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.
Các nước thận trọng mở cửa trước biến thể mới
Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock cho biết, biến thể Delta hiện là chủng virus đang có tác động lớn tại Anh theo ước tính chính thức của giới chức nước này. Ông Hancock lưu ý rằng, biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn tới 40% so với biến thể lần đầu được phát hiện ở Anh, hiện có tên gọi là biến thể Alpha.
Biến thể Delta khó để ngăn chặn và kiểm soát hơn, khiến các nhà chức trách khó quyết định có nên mở cửa hoàn toàn hay không. Bộ trưởng Hancock cho biết thêm rằng, Thủ tướng Anh và nhóm công tác của Chính phủ nước này sẽ cần thêm một tuần để quan sát xu hướng và thu thập dữ liệu trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Chính phủ "hoàn toàn để ngỏ khả năng" trì hoãn quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Với sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta, Anh đang cân nhắc lại việc mở cửa hoàn toàn tại quốc gia này. (Ảnh: AP)
Biến thể Delta đe dọa phá vỡ thành quả chống dịch của các nước
Biến chủng Delta không chỉ tấn công các quốc gia châu Âu mà còn đang gây nên sức ép lên hệ thống y tế châu Á. Bộ Y tế Singapore cho biết, trong số các ca mắc mới tại nước này, 428 người nhiễm biến chủng Delta, chiếm đa số các ca lây nhiễm ở nước này.
Singapore đã phản ứng quyết liệt bằng cách tạm cấm hành khách từ Ấn Độ kể từ tháng 4, đồng thời mở rộng cách ly tại những cơ sở do Chính phủ chỉ định. Giới chức Singapore cũng yêu cầu hạn chế tụ tập, đóng cửa trường học và cấm dùng bữa trong không gian kín.
Trong khi đó, chính quyền thành phố Chiang Mai, Thái Lan sẽ áp dụng mô hình "du lịch hộp cát" của đảo Phukhet, mô hình đã tạo điều kiện cho hòn đảo này đón khách quốc tế từ ngày 1/7. "Mô hình hộp cát" yêu cầu du khách ở lại đảo trong vòng 14 ngày trước khi di chuyển đến các địa điểm khác.
Mô hình này cũng giới hạn hành trình tham quan của khách du lịch nước ngoài trong các lộ trình cố định, chỉ đưa họ đến những địa điểm đã được lên phương án từ trước và không cho phép du lịch tự túc.
Nhiều nước đã siết chặt hạn chế trước sự xuất hiện của các biến chủng. (Ảnh: AP)
Thành quả chống dịch của Anh có bị đe dọa?
Tại Anh, các giai đoạn đầu tiên của tiến trình dỡ bỏ hạn chế vì COVID-19 đã được thực hiện suôn sẻ. Tình hình dịch bệnh tại nước này giảm rõ rệt nhờ chiến dịch tiêm phòng thành công. Ngày 1/6, lần đầu tiên sau hơn một năm, nước Anh không ghi nhận bất cứ ca tử vong nào vì COVID-19 trong ngày. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả tích cực này, trong những ngày gần đây, đã có "sự gia tăng theo cấp số nhân về số ca mắc COVID-19 mới" mà nguy nhân không gì khác chính là do biến thể Delta gây ra. Đây có thể là dấu hiệu của một làn sóng dịch mới, đe doạ những thành công trong chống dịch mà nước Anh đạt được cho đến nay.
Các xét nghiệm gần đây cho thấy, số ca nhiễm biến thể Delta đã chiếm trên 60% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh trong vài tuần qua, nhiều hơn cả biến thể Kent phát hiện tại nước này vào cuối năm 2020. Dù số ca nhiễm hàng ngày tại Anh vẫn ở mức thấp nhưng đà lây nhiễm đã tăng trở lại. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày nước Anh ghi nhận trên 5.000 ca mắc mới, tốc độ tăng hơn gấp 2 lần so với một tháng trước.
Tuy vậy, có một "tấm khiên" mà nước Anh đã kịp dựng lên cho đợt bùng dịch lần này, đó là vaccine COVID-19. Hơn 1/2 số người trưởng thành ở Anh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và hơn 3/4 số người trưởng thành ở nước này đã được tiêm mũi đầu tiên. Ngoài ra, hầu hết những người thuộc diện dễ mắc bệnh nặng đã được tiêm vaccine.
Do đó, việc số ca mắc tăng không có nghĩa là số ca tử vong tăng tương ứng. Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Hancock nhấn mạnh, những người đã tiêm đủ hai liều vaccine sẽ được bảo vệ trước biến thể Delta.
Theo các chuyên gia, việc tiêm phòng thực sự quan trọng vì nó sẽ ngăn chặn virus tạo nên cụm lây nhiễm. (Ảnh: AP)
Chuyên gia kêu gọi tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19
Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, ông Lawrence Young, giáo sư về ung thư học phân tử tại Đại học Warwick (Anh), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong việc làm chậm quá trình lây nhiễm virus trong cộng đồng khi các hạn chế xã hội được dỡ bỏ.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters, giáo sư Young cho biết, việc tiêm phòng thực sự quan trọng vì nó sẽ ngăn chặn virus tạo nên cụm lây nhiễm. Đối với những người được tiêm phòng, ngay cả khi bị nhiễm virus, virus trong cơ thể họ cũng không sản sinh số lượng lớn, như vậy có thể giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác nếu tiếp xúc gần.
Hiện Anh đã phê duyệt vaccine của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi nhằm mở rộng nhóm đối tượng được tiêm. Đây là nhóm có khả năng lây nhiễm cao trong bối cảnh các trường học đã được mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng tốc độ tiêm phòng, giới chức y tế Anh vẫn khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp phòng dịch nhiều nhất có thể.
Dù đã hay chưa tiêm vaccine, người dân cần duy trì các biện pháp phòng dịch nhiều nhất có thể. (Ảnh: AP)
Thận trọng mở cửa - Bài học từ nước Pháp
Thận trọng khi mở cửa cũng là cách mà giới chức Pháp đang áp dụng. Bắt đầu từ ngày 9/6 (theo giờ Pháp), các nhà hàng bắt đầu được phép đón thực khách đến dùng bữa ở quán, thay vì chỉ cho khách ngồi ngoài trời hoặc bán mang về như trước.
Người Pháp sẽ được phép ở ngoài muộn hơn, giờ giới nghiêm sẽ được lùi lại đến 23h, thay vì 21h. Ý thức chống dịch của người dân Pháp đã được nâng lên so với thời điểm này năm 2020.
Giới chức Pháp thận trọng trong cả việc mở cửa biên giới đón du khách. Cũng kể từ ngày 9/6, bằng việc xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 được Liên minh châu Âu (EU) công nhận, người dân từ các quốc gia EU, Schengen và 7 quốc gia khác có thể nhập cảnh trực tiếp vào Pháp mà không cần xét nghiệm COVID-19. Điều đó cho thấy, tiêm vaccine đang dần trở thành điều thiết yếu, giống như việc người dân đeo khẩu trang vậy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!