Hơn 173 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,1 triệu ca mắc và hơn 612.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 11.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Mỹ ở thời điểm hiện tại đang ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Hiện số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày ở Mỹ chỉ còn khoảng 15.000 trường hợp, giảm hơn 30% so với tháng 3/2020. Mức độ nhiễm bệnh này cũng đã giảm 94% so với thời điểm tháng 1/20221. Đặc biệt, số người tử vong trung bình hàng ngày cũng giảm mạnh, xuống còn khoảng 363 ca mỗi ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Đây được cho là kết quả của chương trình tiêm phòng được đẩy mạnh tại Mỹ.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 4/6, nước này ghi nhận hơn 121.400 ca mắc mới COVID-19 và trên 3.300 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 28,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 340.702 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Truyền thông dẫn kết quả một nghiên cứu của Chính phủ Ấn Độ chỉ ra rằng, biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (biến thể B.1.617.2, hiện được đặt tên là Delta), đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở nước này.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 469.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 16,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ngày 4/6, giới chức y tế Nepal thông báo, nước này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm nấm mucormycosis, hay còn gọi là nấm đen. Đây là bệnh nhiễm trùng gây chết người đang đe dọa hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 tại nước láng giềng Ấn Độ. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Nepal Krishna Prasad Poudel, nước này đã ghi nhận ít nhất 10 trường hợp mắc nấm đen. Ca tử vong là một bệnh nhân nam, 65 tuổi, đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện ở miền Tây Nepal do bị chẩn đoán viêm thùy thái dương.
Trong làn sóng lây nhiễm nấm đen, Ấn Độ đã ghi nhận hàng nghìn ca mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lạm dụng thuốc chứa steroid trong điều trị các bệnh nhân COVID-19. Nepal bắt đầu ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh vào đầu tháng 4 và đỉnh điểm vào tháng giữa tháng 5 với hơn 9.000 ca mắc mỗi ngày. Tổng cộng trên 581.500 người đã mắc COVID-19, hơn 7.700 người tử vong ở Nepal.
Nepal đã yêu cầu các bệnh viện nước này dành giường bệnh cho trẻ em do lo ngại làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 có thể tác động nghiêm trọng tới nhóm này. Đây cũng là điều mà giới chức ở quốc gia láng giềng Ấn Độ cũng đang chuẩn bị. Trong một tuyên bố, Bộ Y tế và dân số Nepal nêu rõ, các bệnh viện và cơ sở y tế cần chuẩn bị ít nhất 20% số giường cho trẻ em, đối tượng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong làn sóng lây nhiễm thứ 3 và thứ 4 có thể xảy ra. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng cần đảm bảo đủ lượng oxy.
Nepal đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm nấm đen. (Ảnh: AP)
Hơn một nửa số người trưởng thành ở Anh đã được tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19. Theo Bộ Y tế Anh, trong 6 tháng qua, cơ quan y tế tại Vương quốc Anh đã tiêm chủng được hơn 66 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Bộ Y tế Anh khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm đủ 2 liều vaccine để có kháng thể cao nhất, đặc biệt là trong việc bảo vệ trước các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Ngày 4/6, Anh ghi nhận thêm 6.238 ca mắc COVID-19, mức cao nhất từ cuối tháng 3 vừa qua và tăng mạnh so với mức 5.274 ca ghi nhận trước đó một ngày. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 11 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng trên 4,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 127.800 người không qua khỏi.
Cùng ngày, trong bài phát biểu sau Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em nước này, đồng thời đảm bảo người dân Anh sẽ được bảo vệ và an toàn. Ông khẳng định đang hợp tác với các quan chức quốc tế nhằm đảm bảo người dân có thể được tiêm phòng trên khắp thế giới, đặc biệt là với vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất.
Tại châu Âu, từ mùa hè này, du khách Nhật Bản sẽ được phép đi du lịch tại Liên minh châu Âu (EU) mà không cần giấy chứng nhận tiêm vaccine COVID-19. Hội đồng châu Âu đã nhất trí với đề xuất của đại sứ 27 nước EU về việc đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia mà du khách, thậm chí chưa tiêm phòng COVID-19 có thể được nhập cảnh vào khối này. Như vậy, đến thời điểm này, EU đã cho phép công dân 8 quốc gia được nhập cảnh vào khối này bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Israel và Rwanda.
Ngày 4/6, Pháp thông báo sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới cho công dân EU từ ngày 9/6. Đây là một phần trong kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới và hỗ trợ ngành du lịch của Pháp trong bối cảnh nước này vừa thoát khỏi làn sóng COVID-19 thứ 3. Du khách đến Pháp từ các nước EU sẽ không phải cung cấp xét nghiệm kháng nguyên hoặc PCR âm tính nếu đã tiêm đủ liều một trong bốn loại vaccine được khối này cho phép.
Pháp cũng nới lỏng quy định kiểm dịch đối với người đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Singapore, Israel và Li băng. Dự kiến, từ ngày 1/7, Pháp sẽ công nhận chứng chỉ du lịch kỹ thuật số của châu Âu.
Nhà chức trách Singapore hiện đang rất quan ngại về các ca mắc COVID-19 không triệu chứng xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng dân cư ở nước này. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 mới bùng phát tại một khu nhà ở, của người khuyết tật tại quốc gia này. 27 cư dân và nhân viên tại đây đã mắc COVID-19, trong đó có 23 trường hợp không có triệu chứng.
Theo người đứng đầu Lực lượng đặc trách liên bộ về COVID-19 của Singapore, nước này đang phải đối phó với một biến thể virus rất dễ lây lan, có khả năng lây nhanh hơn nhiều so với bất kỳ biến thể virus nào. Hiện nhà chức trách Singapore kêu gọi người dân: ở nhà, làm việc từ xa và hạn chế các hoạt động tiếp xúc hàng ngày. Những ai có dấu hiệu không khỏe cần liên hệ với cơ sở y tế, để xét nghiệm COVID-19 ngay lập tức, đồng thời đặt lịch hẹn tiêm chủng vaccine càng sớm càng tốt.
Ngày 4/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin bày tỏ quan ngại về thực trạng gia tăng số ca tử vong và số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng liên quan đến trẻ em. Do số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày vì COVID-19 liên tục tăng lên các mức cao chưa từng có, quốc gia Đông Nam Á này buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 2 tuần từ ngày 1 - 14/6. Chính phủ Malaysia cũng cảnh báo đợt bùng phát dịch lần này có thể liên quan tới nhiều biến thể nguy hiểm hơn so với trước đây.
Quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết, Malaysia đã ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi trong 5 tháng đầu năm nay, tương đương con số ghi nhận trong cả năm 2020. Ngoài ra, có tổng cộng 27 trẻ em, trong đó 19 trẻ dưới 5 tuổi, phải điều trị tích cực từ giữa tháng 1 - 5/2021 sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Con số này tăng cao hơn nhiều so với mức 8 ca ghi nhận trong năm 2020. Ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Adham Baba cho biết, nước này ghi nhận tổng cộng 82.341 trẻ mắc COVID-19 từ tháng 1/2020 - ngày 30/5/2021.
Tính đến ngày 4/6, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Malaysia đã vượt 603.000 ca, trong đó có 3.182 trường hợp tử vong, cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines.
Philippines rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm vaccine. (Ảnh: AP)
Philippines thông báo rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với tất cả người nhập cảnh vào nước này đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại cơ sở trong 7 ngày, cơ quan giám sát sẽ cấp một giấy chứng nhận đã qua cách ly. Philippines trước đây yêu cầu tất cả người nhập cảnh nước này phải cách ly 14 ngày sau khi đến và xét nghiệm vào ngày thứ 7 tại cơ sở cách ly. Philippines xác nhận tổng cộng trên 1,2 triệu người nhiễm và hơn 21.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Chính phủ Lào ngày 4/6 đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến hết ngày 19/6 tới do tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ bùng phát, đặc biệt tại thủ đô Vientiane. Đây là lần thứ 3 Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ khi làn sóng dịch thứ 2 bùng phát tại nước này tháng 4 vừa qua. Đến nay, Lào ghi nhận 1.943 ca mắc và 3 người tử vong vì COVID-19.
Tối 4/6, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-COV-2 là B.1.617 dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia đối với 3 trường hợp từ Thái Lan nhập cảnh Campuchia. Các trường hợp nhiễm biến thể mới gồm 1 bệnh nhân tại tỉnh Bantey Meanchey và 2 bệnh nhân tại tỉnh Battambang. Các bệnh nhân nói trên đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương. Bộ Y tế Campuchia chỉ đạo khẩn tới bệnh viện các tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định của bộ về đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối bệnh nhân COVID-19, tăng cường công tác truy vết, kể cả những trường hợp nghi lây nhiễm, địa điểm lây nhiễm.
Trong tuần vừa qua, số ca lây nhiễm COVID-19 tại Campuchia tiếp tục xu hướng gia tăng gây quan ngại. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 886 ca nhiễm mới, trong đó có 856 ca lây nhiễm cộng đồng và 6 ca tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 33.075 ca nhiễm, trong đó có 25.544 người đã bình phục và 242 trường hợp không qua khỏi.
Bộ Y tế Mông Cổ cùng ngày thông báo, nước này ghi nhận thêm 13 ca không qua khỏi vì COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong cao nhất trong một ngày kể từ khi xảy ra đại dịch ở Mông Cổ. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại đây hiện lên đến 315 ca. Trong khi đó, đã có tổng cộng 62.585 ca mắc COVID-19 ở nước này sau khi ghi nhận 1.189 ca mới trong 24 giờ qua, số ca mắc mới cao nhất kể từ ngày 1/5 đến nay. Ngoài ra, tính đến nay, tổng cộng trên 52.800 bệnh nhân đã bình phục.
Mông Cổ đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 2 năm nay, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng cho tối thiểu 60% trong 3,3 triệu dân nước này.
Trung Quốc đại lục ngày 4/6 ghi nhận 24 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 15 trường hợp nhập cảnh và 9 người lây nhiễm trong cộng đồng đều ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam nước này. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, 21/24 ca bệnh mới không có triệu chứng. Tính đến hết ngày 4/6, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 91.194 ca mắc COVID-19. Số ca tử vong không đổi và vẫn ở mức 4.636 ca.
Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 472 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó 133 ca đã được tính vào tổng số ca mắc những ngày gần đây do vùng lãnh thổ này tiếp tục điều chỉnh lại con số thống kê. Con số mới nhất giảm so với mức 583 ca lây nhiễm cộng đồng được thông báo hôm 3/6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!