Đằng sau câu chuyện COVID-19 lây lan ‘như cháy rừng’ tại Ấn Độ

PV (Theo TTXVN)-Thứ ba, ngày 27/04/2021 19:22 GMT+7

Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 24/4/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN

VTV.vn - Làn sóng COVID-19 tấn công Ấn Độ sau khi quốc gia 1,4 tỉ dân nới lỏng quy định giãn cách, cùng với đó là sự xuất hiện của biến chủng mới.

Tình cảnh khó khăn sau khoảng thời gian tương đối tĩnh lặng

Ấn Độ đang phải đối mặt với bùng phát lây nhiễm, với tốc độ lây lan nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Dịch bệnh gây ra tình trạng quá tải kinh niên tại các bệnh viện ở New Delhi, bệnh nhân khó có thể kiếm được giường bệnh.

Lây nhiễm chưa có dấu hiệu dừng lại, khi Ấn Độ trong bốn ngày liên tiếp vừa qua đều ghi nhận trên 300.000 ca mắc mới/ngày - mức kỉ lục trên thế giới, riêng trong ngày 25/4 là gần 350.000 ca.

Số liệu mới nhất về xét nghiệm, tiêm chủng đều cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa. Theo ông Navin Dang, chuyên gia vi trùng học và là Chủ tịch chuỗi phòng xét nghiệm Dr. Dang có trụ sở ở New Delhi, kết quả xét nghiệm cho tỉ lệ dương tính lên tới 30%. Trong khi đó, tỉ lệ tiêm ngừa vaccine ở Ấn Độ hiện mới chỉ đạt 1,5% trên tổng dân số.

Nhiều bệnh nhân không có lựa chọn nào khác ngoài xếp hàng dài chờ đợi trước cổng bệnh viện, chờ để được xếp giường. Số khác phải chạy từ bệnh viện này tới bệnh viện khác, cố tìm cơ hội được nhập viện, hoặc chỉ đơn giản là được bác sĩ tư vấn, thăm khám trong 1-2 phút.

Những gia đình may mắn tìm được giường bệnh cho người thân cũng chưa hết lo, khi họ phải lo có được nguồn oxy, thuốc, sinh phẩm y tế phục vụ việc điều trị. Tình trạng dồn toa còn kéo dài tới khi nạn nhân qua đời, do các lò hỏa thiêu quá tải, muốn hỏa táng cũng phải chờ đợi.

Tình cảnh hiện nay khác biệt hẳn so với ba tháng trước đây - thời điểm nhiều người tin rằng Ấn Độ đã đẩy lui được COVID-19. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 9/2020, lây nhiễm bắt đầu suy giảm, số ca mắc mới dưới 15.000 người/ngày được duy trì trong nhiều tuần.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) theo hình thức trực tuyến hồi tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi nói rằng Ấn Độ là một trong số ít các nước đã thành công trong kiềm chế dịch bệnh, bảo vệ mạng sống cho người dân trước đại dịch.

Nhịp sống đã trở lại bình thường. Hoạt động tụ tập đông người, đám cưới được nối lại. Khẩu trang và các quy định giãn cách xã hội không còn được coi trọng. Nhiều đảng phải chính trị không ngần ngại mở tuần hành chính trị, tạo sức hút trước cử tri để chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử ở nhiều bang. Một số lễ hội lớn cùng các cuộc hành hương hàng triệu người theo đạo Hindu cũng được tổ chức trong dịp này.

Tất cả gần như đều chuyển đi một thông điệp rằng COVID-19 không còn đáng ngại. Nhưng tình hình đột ngột chuyển biến xấu từ giữa tháng 3, với các ca lây nhiễm tăng mạnh trở lại. Đồ thị biểu hiện lây nhiễm gần như theo chiều thẳng đứng, chứ không còn là đường cong vát lên.

Bất ngờ và nguy hiểm hơn sóng lây nhiễm thứ nhất

"Sóng thần COVID-19" lần này tấn công Ấn Độ bất ngờ hơn và khốc liệt hơn những gì từng được dự báo, đặt ra nhu cầu cấp thiết chưa từng thấy về oxy. Nhập viện khó khăn, nên số mắc bệnh ở Ấn Độ hiện đa phần đều trong tình trạng bệnh nặng hơn so với làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

Đằng sau câu chuyện COVID-19 lây lan ‘như cháy rừng’ tại Ấn Độ - Ảnh 1.

Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy miễn phí tại Ghaziabad, Ấn Độ ngày 24/4/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN

Bệnh nhân sốt cao hơn từ 2-3 độ C so với hồi năm ngoái, với thân nhiệt dao động từ 37,8-38,3 độ C. Lượng oxy trong máu của bệnh nhân cũng thấp hơn so với làn sóng trước. Người nhiễm bệnh nặng giờ cũng rơi vào số trẻ, thay vì người già như trước đây.

Theo Suranjit Chatterjee, chuyên gia nội khoa và là người điều phối giường bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Indraprastha Apollo ở New Delhi, dịch bệnh "đang lây lan như cháy rừng". Việc nhiều thành viên trong gia đình cùng mắc COVID-19 đã không còn hiếm.

Xe cứu thương chở bệnh nhân COVID-19 kẹt cứng trước cổng các bệnh viện ở New Delhi và các thành phố lớn khác ở Ấn Độ là cảnh tượng phổ biến. Bên trong khuôn viên bệnh viện, không khó để bắt gặp các tấm bảng điện tử với dòng thông báo: Hết giường bệnh COVID-19, hết giường thở oxy, không còn phòng điều trị tích cực (ICU)…

Mức độ nghiêm trọng của sóng lây nhiễm thứ hai được thể hiện rõ qua câu chuyện thiếu oxy để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Cuối tuần qua, nhiều bệnh viện ở Ấn Độ liên tục cập nhật chi tiết về thiếu thốn oxy y tế, với mong muốn được chia sẻ nguồn cung, khi lượng oxy chỉ còn đủ dùng trong một vài giờ.

Lây lan chết người ở Ấn Độ phần nào cho thấy mối nguy hại của tình trạng tiêm chủng không đồng đều trên thế giới. Số liệu khoa học ban đầu cho thấy, các loại vaccine cơ bản có khả năng đề khác trước các biến chủng COVID-19, trong đó có chủng B.1.617 có xuất xứ từ Ấn Độ và đã lan sang nhiều quốc gia khác.

Một số quốc gia như Anh, Israel đã bảo đảm được nguồn cung và thực hiện tiêm chủng cho phần lớn dân số, nhờ đó giảm được lây nhiễm, tạo điều kiện để chính quyền nới lỏng biện pháp hạn chế.

Nhưng phần lớn các nước, trong đó có Ấn Độ, đều không có khả năng huy động và triển khai nguồn lực vaccine. Không thể tiêm chủng trên diện rộng, những nước này này đều đứng trước tình cảnh dễ bị tổn thương khi dịch bùng phát, nhất là khi xuất hiện các biến chủng SARS-CoV-2 có cấp độ lây lan mạnh hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước