Hành khách tại sân bay quốc tế Ngurah Rai, đảo Bali, Indonesia ngày 18/8. (Ảnh minh họa: AP)
Sân bay quốc tế trên đảo Bali đã mở cửa cho du khách đến từ 19 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và New Zealand. Kế hoạch mở cửa trở lại một phần này không có du khách đến từ Australia, một trong những nguồn khách du lịch chính đến Bali vào thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Tuy nhiên, chưa có chuyến bay quốc tế nào được thực hiện ngay trong ngày 14/10.
Theo giới chức đảo Bali, khu du lịch này vốn chịu thiệt hại nặng nề do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. Du khách nước ngoài khi đến nghỉ dưỡng tại hòn đảo này cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine COVID-19, cách ly tại khách sạn trong vòng 5 ngày và tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về thị thực theo quy định nhập cảnh mới đối với khách du lịch nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 9/10, sân bay Bali đã có buổi diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện này. Đây là những du khách đặc biệt tại đảo Bali trước khi hòn đảo được mở cửa chính thức với du khách nước ngoài. Họ vốn là nhân viên của sân bay quốc tế Ngurah Rai của Bali, Indonesia đang tham gia buổi diễn tập để có thể vận hành trơn tru trong thực tế, cũng như chuẩn bị cho các tình huống phát sinh.
Khu du lịch đảo Bali chịu thiệt hại nặng nề do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: AP)
Du khách muốn đến Bali phải có chứng nhận đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ, họ được kiểm tra nhiệt độ bằng máy đo thân nhiệt, sau đó được đến phòng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại sân bay. Các nhân viên sẽ luôn túc trực để đảm bảo du khách thực hiện đúng việc giữ khoảng cách. Sau khi trải qua các thủ tục ở sân bay, họ được đưa đến nơi cách ly để thực hiện việc cách ly tự chi trả trong 8 ngày.
Người dân Bali tỏ ra rất hào hứng với việc mở cửa vì du lịch là nguồn thu nhập chính của hòn đảo này. Nhà chức trách hy vọng, Bali có thể trở thành mô hình mẫu để các địa điểm du lịch khác tại Indonesia học tập kinh nghiệm mở cửa trở lại.
Indonesia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau khi số ca nhiễm và tử vong theo ngày giảm trên toàn quốc nhờ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine.
Indonesia vừa cán mốc tiêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trở thành quốc gia đứng thứ năm thế giới về tổng số liều vaccine đã được tiêm. Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở Indonesia đã giảm khoảng gần 30 lần, hiện trung bình 1.700 ca mới/ngày.
Với nhận định rằng COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022, Chính phủ nước này đã xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu, chuẩn bị lộ trình bình thường mới để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!