Cuộc đảo chính lần này thực sự là một cú sốc bất ngờ đối với Chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong bối cảnh đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Tại sao cuộc nổi dậy của một số binh sĩ quân đội lại diễn ra vào lúc này? Đây là câu hỏi được nhiều tờ báo đặt ra.
* Tờ Thời báo New York cho rằng, cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là một sự bất ngờ bởi nước này dường như rất ít có khả năng trở thành nạn nhân của một âm mưu phản loạn. Tờ báo trích kết quả nghiên cứu của một chuyên gia trong lĩnh vực dự báo chính trị rằng, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 2,5% khả năng xảy ra đảo chính, đứng thứ 56/150 quốc gia được xếp hạng. Ở quốc gia này không có sự chia rẽ ở tầng lớp tinh hoa quyền lực, cũng không có sự phân hóa trong xã hội - những nhân tố quan trọng để thúc đẩy một cuộc đảo chính.
* Tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận, cuộc đảo chính vừa qua không phải là nỗ lực đầu tiên của quân đội nhằm thiết kế lại nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ mục đích riêng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên âm mưu nổi loạn thất bại. Điều đó đã chứng tỏ sự lớn mạnh của dân chủ ở quốc gia này.
* Đặt ra câu hỏi Tại sao cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ lại thất bại?, tờ Business Insider trích lời một chuyên gia nhìn nhận, thất bại của cuộc đảo chính là ở chỗ không nhận được sự ủng hộ. "Ở các cuộc đảo chính trước kia, quân đội hành động dựa trên lời kêu gọi của người dân và tiến hành đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ không được lòng dân". Nhưng trường hợp cuộc đảo chính ngày 15/7 không phải vậy. Đảng AKP cầm quyền và Tổng thống Erdogan có thể đang bị phân cực nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của khoảng 50% dân số.
* Tờ Người bảo vệ của Anh cho rằng, cuộc đảo chính này mang hơi hướng của những nỗ lực tuyệt vọng bởi vì những kẻ khởi xướng cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan kiểm soát hoàn toàn quân đội. Vào đầu tháng 8, Hội đồng quân sự cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp thường niên để xem xét về nhân sự. Tại cuộc họp này, nhiều tướng lĩnh quân đội có thể sẽ được thăng chức hoặc buộc phải nghỉ hưu sớm. Đây là điều mà những kẻ khởi xướng âm mưu nổi loạn lo sợ.
* Cũng theo tờ Người bảo vệ, sự hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến thế giới lo ngại. Việc hỗ trợ cuộc chiến chống IS và thúc đẩy một thỏa thuận về Syria sẽ khó khăn hơn nếu Chính phủ nước này còn đang phải vật lộn trong cuộc tranh giành quyền lực với quân đội và chính nội bộ quân đội cũng đang chia rẽ như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!