Tổng thư ký Rasmussen cho biết NATO sẽ hỗ trợ Ukraine cải cách quốc phòng và xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Ảnh: AFP
Trong tuyên bố, Tổng thống Ukraine cho rằng việc đạt được thỏa thuận với các nước NATO về cung cấp trực tiếp vũ khí hiện đại có thể giúp Kiev "tự bảo vệ mình và giành chiến thắng". Ông viết: "Mặc dù chúng ta chỉ dựa vào chính mình, song thực tế cho thấy chúng ta cần sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật quân sự".
Trước đó, trên trang mạng xã hội Facebook, Trợ lý của Tổng thống Ukraine, ông Yuri Lutsenko cho biết tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở xứ Wales của Anh hồi tuần trước, Kiev đã đạt thỏa thuận với Mỹ, Pháp, Italy, Ba Lan và Na Uy về việc cử các cố vấn quân sự của phương Tây đến Ukraine và cung cấp vũ khí hiện đại cho nước này. Tuy nhiên, sau đó, Washington, Vacsava và Oslo đã phủ nhận thông tin trên, trong khi Bộ Quốc phòng Italy tuyên bố Rome có thể cung cấp thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine nhưng cũng chỉ trong khuôn khổ phối hợp chặt chẽ với các nước đối tác trong NATO. Trong khi đó, theo nguồn tin từ điện Elisee, Paris không bình luận về điều này vì cho rằng thông tin trên là không chính thức.
Liên quan vấn đề này, trong khuôn khổ chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa bác bỏ thông tin về thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine mà Kiev đưa ra trước đó, đồng thời tuyên bố cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, và hy vọng các bên sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, được ký kết ngày 5/9 tại thủ đô Minsk (Belarus).
Tuy nhiên, trả lời đài truyền hình địa phương ngày 8/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomas Semonyak tuyên bố Vacsava sẵn sàng bán vũ khí cho Ukraine nếu Kiev đưa ra một đề nghị tương tự. Ông Semonyak nhấn mạnh lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine đã được dỡ bỏ từ tháng 7 vừa qua, vì vậy Kiev không có bất kỳ trở ngại nào nếu mua vũ khí của Ba Lan hay các quốc gia khác.
Lệnh cấm xuất khẩu thiết bị quân sự cho Ukraine được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng từ tháng Hai năm nay khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Sau đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc EU áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi âm thầm rút lại lệnh cấm cung cấp công nghệ và thiết bị quân sự cho Ukraine, tuy nhiên, EU chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về cáo buộc trên của giới chức Nga.