Đề xuất gói trừng phạt các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu gây tranh cãi
Các chuyên gia gọi đây là "biện pháp trừng phạt thứ cấp" hoặc "biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ". Gói trừng phạt thứ 11 được thiết kế với mục đích cắt đứt nguồn cung nguyên vật liệu và công nghệ cần thiết cho chiến dịch quân sự đặc biệt của quân đội Nga tại Ukraine.
Các "biện pháp trừng phạt thứ cấp" là lằn ranh đỏ mà trước đây EU chưa từng vượt qua trong mối quan hệ với các đối tác thương mại. Nhưng giờ đây, có vẻ như Liên minh châu Âu có ý định phá vỡ lằn ranh đỏ trừng phạt. Vì sao lại như vậy? Nguy cơ mà kế hoạch này tạo ra đối với mối quan hệ thương mại giữa châu Âu với các đối tác khác bị nêu tên trong danh sách trừng phạt thứ cấp sẽ như thế nào?
Gói trừng phạt thứ 11 mà EU đề xuất có trọng tâm chính là ngăn chặn các bên thứ ba tiếp tục né tránh trừng phạt. EU coi việc trốn tránh các lệnh trừng phạt là lý do khiến 10 gói trừng phạt trước đó nhằm vào Nga không đáp ứng được kỳ vọng. Dữ liệu ngoại thương từ Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu cho thấy, hàng hóa bị cấm xuất khẩu sang Nga của EU được chuyển đến một số nước thứ ba và từ đó tiếp tục được xuất sang Nga.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: "Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng bất thường của trao đổi thương mại giữa EU và một số nước thứ ba. Lượng hàng hóa này cuối cùng lại tới Nga, đó là lý do chúng tôi đang đề xuất một công cụ mới để chống lại việc trốn tránh trừng phạt. Nếu chúng tôi nhận thấy các luồng hàng từ EU ra nước ngoài lại có đích đến là Nga, thì chúng tôi sẽ đề nghị các nước thành viên áp trừng phạt những hàng hóa đó".
Gói trừng phạt thứ 11 bao gồm nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó có việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu sang các nước thứ ba và bổ sung hàng chục công ty của Trung Quốc, Iran, Kazakhstan và Uzbekistan vào danh sách đen. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu chính thức nhằm vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc xuất khẩu sang Nga các sản phẩm lưỡng dụng, tức là có thể dùng trong cả quân sự và dân sự. Bắc Kinh đã nhanh chóng lên tiếng về đề xuất trong gói trừng phạt mới của EU.
Ông Tần Cương - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng tôi không cung cấp vũ khí cho các quốc gia hoặc khu vực đang gặp khủng hoảng, đó là luật của Trung Quốc. Và khi chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng ra nước ngoài, chúng tôi cũng có luật và quy định, chúng tôi xử lý những trường hợp này theo luật của chúng tôi. Giữa các công ty Trung Quốc và Nga là hoạt động trao đổi thương mại bình thường và điều này không thể bị cản trở. Chúng tôi nghiêm khắc phản đối một số quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc theo luật pháp của họ. Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia và các công ty của chúng tôi".
Ông Tần Cương - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc
Đề xuất lần này của Bruxellles hướng đến mục tiêu tăng cường sức mạnh quốc tế của EU thông qua các kênh thương mại. Các chuyên gia đánh giá đề xuất này sẽ tạo tiền lệ cho các hành động của EU trong việc trừng phạt những nước có hành vi hỗ trợ Nga. Để chính thức có hiệu lực, gói trừng phạt mới cần được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Các cuộc đàm phán được dự báo sẽ kéo dài và căng thẳng. Hiện trong EU có nhiều ý kiến lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt mới có nguy cơ làm đảo lộn các mối quan hệ kinh tế và chính trị.
Thiệt hại kinh tế với Nga - EU do lệnh trừng phạt
Cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga đang làm thay đổi các mối quan hệ kinh tế và an ninh toàn cầu. Tốc độ, phạm vi và sự phối hợp toàn cầu của phương Tây trong trừng phạt Nga là chưa từng có đối với một nền kinh tế lớn, kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Việc hạn chế quyền tiếp cận của Ngân hàng trung ương Nga đối với tài sản của họ ở nước ngoài được coi là một hình thức chiến tranh tài chính. Còn ngăn chặn phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Nga là đỉnh điểm của chiến tranh thương mại, khiến Nga phải nắn dòng xuất khẩu của mình.
Nay với các đề xuất trừng phạt thứ cấp, chiến tranh thương mại sẽ bị mở rộng phạm vi, một tình thế thật sự nguy hiểm.
Brussels cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga như ngọc trai, đồ trang sức, túi xách, nước hoa, đồ cổ, đồ sứ, rượu vang
Kể từ tháng 2/2022, EU đã cấm hơn 43,9 tỷ euro hàng hóa xuất khẩu sang Nga và 91,2 tỷ euro hàng hóa nhập khẩu. Tương đương 49% hàng xuất khẩu và 58% hàng nhập khẩu hiện đang chịu một số hình thức trừng phạt.
EU đã hạn chế xuất khẩu sang Nga một loạt các sản phẩm công nghiệp và công nghệ bao gồm radar, máy bay không người lái, thiết bị ngụy trang, máy ảnh, ống kính, hệ thống vô tuyến, cần cẩu, ăng-ten, xe tải và hóa chất được dùng trong sản xuất vũ khí. Trên hết, EU đã cấm các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cần thiết để hiện đại hóa nền kinh tế Nga, chẳng hạn như chất bán dẫn, điện toán lượng tử, công nghệ lọc dầu, linh kiện máy bay và tiền giấy của bất kỳ loại tiền tệ chính thức nào của khối.
Brussels cũng cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga như ngọc trai, đồ trang sức, túi xách, nước hoa, đồ cổ, đồ sứ, rượu vang, rượu sâm banh và xì gà.
Về mặt nhập khẩu, giá trị kinh tế bị trừng phạt thậm chí còn cao hơn 91,2 tỷ euro hàng hóa của Nga hiện bị cấm trên toàn khối như than, vàng, sắt, thép, máy móc, xi măng, gỗ, nhựa, dệt may, giày dép, da, xe cộ và nhiều thứ khác. Đặc biệt hai sản phẩm đặc trưng của Nga là vodka và trứng cá muối đều bị cấm vào thị trường EU.
Khí đốt tự nhiên, nhiên liệu hạt nhân và kim cương là một trong những mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý nhất của Nga chưa bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, không có biện pháp nào có thể so sánh với lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga, nhắm trực tiếp vào nguồn thu chính của Nga và được xác định là biện pháp trừng phạt táo bạo và sâu rộng nhất của khối cho đến nay. Mặc dù lệnh cấm có miễn trừ đối với dầu thô nhập khẩu qua đường ống, nhưng đã loại bỏ khoảng 90% lượng dầu EU mua của Nga.
Ngược lại, khí đốt tự nhiên, nhiên liệu hạt nhân và kim cương là một trong những mặt hàng xuất khẩu đáng chú ý nhất của Nga chưa bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Việc cấm vận năng lượng Nga khiến giá dầu và khí đốt ở châu Âu tăng cao, thúc đẩy lạm phát ở châu Âu trở nên trầm trọng. Ngược lại, Nga đã tận dụng bối cảnh giá cao này và kiếm được khoản lợi nhuận cao chưa từng có từ việc xuất khẩu năng lượng.
Nền kinh tế Nga đang tách rời khỏi các thị trường châu Âu truyền thống, chuyển hướng dòng năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác thuộc khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Nga không rơi vào thảm họa kinh tế như phương Tây dự tính
Bất chấp hơn 10 nghìn lệnh trừng phạt, trong năm qua Nga đã không rơi vào thảm họa kinh tế như phương Tây dự tính. Nhưng Tổng thống Vladimir Putin vẫn lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga trong trung hạn. Điện Kremlin cũng nói rằng Nga sẽ được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của phương Tây vì chúng sẽ giúp Nga "tăng cường chủ quyền kinh tế và tài chính".
Nga đã nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước thứ ba không áp lệnh hạn chế với Moscow.
Vậy liệu Nga có thể bù đắp như thế nào cho những mối quan hệ đã bị cắt đứt với phương Tây thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước khác?
Đồng ruble phục hồi và tăng giá, hệ thống siêu thị vẫn hoạt động, khi các thương hiệu quốc tế vẫn xuất hiện hoặc có những sản phẩm tương đương. Các nhà sản xuất ô tô phương Tây như Renault, Volkswagen và Mercedes-Benz ngừng sản xuất ở Nga, thì điện thoại thông minh và xe hơi Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Để né lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước thứ ba không áp lệnh hạn chế với Moscow. Kim ngạch thương mại của Nga với các nước Trung Đông và Bắc Phi trong năm 2022 đã tăng 83%, đạt gần 95 tỷ USD, trong khi với Trung Quốc cũng đã tăng gần 30% và đạt mức kỷ lục là hơn 190 tỷ USD.
Ông Nikolai Vavilov - Nhà báo, nhà phân tích kinh tế Nga: "Kim ngạch thương mại của Nga với châu Âu hiện nay ở hơn 200 tỷ USD, với Trung Quốc cũng gần mức đó, có nghĩa đã trở nên cân bằng. Theo tôi đó là sự cân bằng tự nhiên trong đa dạng hóa kim ngạch thương mại. Chính vì phương Tây từ chối nguyên liệu Nga còn Trung Quốc thì sẵn sàng mua. Bên cạnh đó mục tiêu đã được đặt ra với Ấn Độ tăng kim ngạch thương mại lên 50 tỷ USD. Chúng tôi đang đa dạng hóa, tức là chúng tôi có nhiều đối tác thương mại của mình".
Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ được xem là nhân tố tích cực giúp kinh tế Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, các giao dịch đồng ruble - Nhân dân tệ hiện chiếm 40% tổng khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối Nga. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt nhờ việc chuyển hướng sang thị trường châu Á. Tháng ba năm nay, xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu từ Nga lên tới 6,75 triệu thùng mỗi ngày và hơn 90% xuất khẩu dầu thô là sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu từ Nga lên tới 6,75 triệu thùng mỗi ngày và hơn 90% xuất khẩu dầu thô là sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Nikolai Vavilov - Nhà báo, nhà phân tích kinh tế Nga: "Dầu mỏ và Nhân dân tệ - Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn cho Trung Quốc cùng với Saudi Arabia. Ở phương Tây, người ta nói rằng còn quá sớm để nói rằng đồng USD sẽ không được sử dụng, nhưng tôi cho rằng, trong bối cảnh thực tế cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ thì việc sử dụng đồng Nhân dân tệ có triển vọng lớn hơn".
Kinh tế Nga được cho là sẽ có sự phục hồi trong năm nay, sau khi giảm 2,1% trong năm 2022, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo số liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới và phân tích thống kê do Sputnik thực hiện, Nga đã trở lại Nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với giá trị hàng hóa và dịch vụ đạt 2.300 tỷ USD năm 2022.
Trong tất cả các kịch bản cho sự phát triển của nền kinh tế Nga, các chuyên gia đều dự tính đến áp lực trừng phạt trong 10-15 năm tới. Do đó, chuyển đổi cơ cấu kinh tế Nga, định hướng lại dòng chảy xuất khẩu, thiết lập lại chuỗi cung ứng sẽ là quá trình không thể tránh khỏi và cần tiếp tục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!