Chỉ 40 tiếng nữa, người dân Pháp sẽ chính thức phải lựa chọn Tổng thống mới. Liệu họ sẽ chọn ông Emmanuel Macron người ủng hộ hội nhập kinh tế, thân EU hay chọn bà Marine Le Pen, người hứa sẽ đảo ngược hàng thập kỷ tự do mậu dịch? Tầm quan trọng của cuộc bầu cử này không chỉ giới hạn trong biên giới nước Pháp, mà còn ảnh hưởng tới cả tương lai của liên minh châu Âu.
Nhưng trên hết, lựa chọn này sẽ định hình lại vị thế của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, hiện đang đối mặt với rất nhiều thách thức sau nhiệm kì Tổng thống của ông Francois Hollande.
Cách đây 5 năm, ông Hollande đã thừa hưởng từ người tiền nhiệm một nước Pháp với tỷ lệ thất nghiệp cao xấp xỉ 10%. Giảm thất nghiệp đã là ưu tiên số một của ông khi ra tranh cử.
Hiện ông Hollande sắp ra đi, để lại cho người kế nhiệm một tỷ lệ thất nghiệp không mấy khác lúc ông bước vào Điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của ông, nước Pháp có thêm hơn nửa triệu người thất nghiệp. Viện Thống kê quốc gia Pháp khẳng định, bất bình đẳng về thu nhập và tỷ lệ người nghèo không thay đổi trong suốt nhiệm kỳ của ông Hollande.
Một mảng tối trong nhiệm kỳ của ông Hollande, là các sắc thuế đã tăng mạnh, biến Pháp thành nước sưu cao thuế nặng nhất Liên minh châu Âu. Tăng thuế đã giúp ngân sách công giảm thâm hụt. Nhưng nạn nhân là người lao động Pháp, thu nhập thực tế giảm làm cho sức mua không thể tăng. Hai ứng cử viên Tổng thống kỳ này đều cho rằng, phải giảm nhẹ gánh nặng thuế má cho doanh nghiệp và cho người dân.
Kinh tế Pháp đang dần ra khỏi khủng hoảng. Nhưng những vấn đề lớn của 5 năm trước nay vẫn còn đó: tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao, bất bình đẳng về thu nhập. Vẫn những vấn đề đó chờ đợi người sắp bước vào Phủ Tổng thống Pháp, y như cách đây 5 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!