Với sự lây lan của biến thể Omicron hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định: mục tiêu miễn dịch cộng đồng để từ đó xóa sổ dịch bệnh khó có thể đạt được và COVID-19 có thể đang tiến đến giai đoạn bệnh đặc hữu.
Miễn dịch cộng đồng được xem là chiếc phao cứu sinh để chấm dứt đại dịch trong thời gian dài. Nhân loại đã ít nhất 1 lần đạt được miễn dịch cộng đồng, với bệnh đậu mùa đã được xóa sổ nhờ vaccine. Tuy nhiên, trong trường hợp COVID-19, các chuyên gia nhận định, khi đại dịch bước sang năm thứ ba, miễn dịch cộng đồng khó có thể xảy ra.
Bà Anna Blakney - Đại học British Columbia, Canada nói: "Chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều biến thể và vẫn phải thừa nhận rằng, dù đã đạt được một số thành tựu, thì vẫn thật khó nghĩ đến việc chạm tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng".
Theo ông Ralf Reintjes - Đại học Khoa học ứng dụng Hamburg, Đức: "Điều này có nghĩa là virus vẫn có thể lây lan trong cộng đồng, nhưng không đến mức tràn lan. Ta có thể thấy một số đợt bùng phát ở những nhóm dân số đặc biệt hoặc trong những trường hợp nhất định. Vì vậy sẽ ít gây ảnh hưởng tới xã hội hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh đặc hữu".
Nói cách khác, bệnh đặc hữu có nghĩa là tổng số ca mắc sẽ duy trì ở mức ổn định, vì vậy có thể dự đoán trước được, do vaccine và tình trạng lây nhiễm trước đó đã tạo đủ miễn dịch để ngăn virus lây lan không kiểm soát. Trên thực tế, chúng ta đang sống chung với nhiều loại bệnh đặc hữu. Cúm là một trong số đó, hay sốt rét, hoặc sởi.
Kịch bản nào sẽ xảy ra khi thế giới sống chung với COVID-19?
Kịch bản thứ nhất: COVID-19 trở thành nguy cơ theo mùa, xuất hiện và biến mất theo mô hình dạng sóng, tương tự cúm.
Kịch bản thứ hai: COVID-19 tồn tại lâu dài ở một số cộng đồng trên thế giới nhưng số ca mắc ổn định.
Kịch bản thứ ba: COVID-19 trở thành bệnh của trẻ em, bởi người trưởng thành có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn do có kháng thể nhờ vaccine hay do lây nhiễm trước đó.
Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn tỏ ra dè dặt trước câu hỏi liệu COVID-19 có đang tiến đến giai đoạn bệnh đặc hữu, bởi vẫn tồn tại nhiều biến số như các biến thể mới xuất hiện hoặc tiến hóa. Hơn nữa, cho dù COVID-19 có trở thành bệnh đặc hữu thì cũng không có nghĩa nó không còn nguy hiểm. Một số người vẫn có nguy cơ tử vong vì căn bệnh này. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người vẫn nên duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang hay thường xuyên sát khuẩn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!