Dịch COVID-19: Indonesia có số ca bệnh cao nhất ASEAN, bất đồng về việc ngừng tài trợ cho WHO

Thanh Ba (VTV8)-Thứ bảy, ngày 18/04/2020 13:18 GMT+7

(Ảnh minh họa: AP)

VTV.vn - Khu vực Đông Nam Á ghi nhận gần 25.500 ca bệnh COVID-19 và 1.060 người tử vong. Trong đó, số ca nhiễm tại Indonesia đang cao nhất ở khu vực này.

Indonesia có số ca bệnh COVID-19 cao nhất ASEAN

Số ca nhiễm tại Indonesia và Singapore đang liên tục tăng mạnh, gây lo ngại về một làn sóng dịch bệnh trong khu vực. Ngày 17/4, Indonesia đã ghi nhận thêm 407 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó vượt qua Philippines, trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á với 5.923 trường hợp. Tỷ lệ tử vong tại Indonesia cũng ở mức cao nhất châu Á, sau Trung Quốc. Thủ đô Jakarta có đến 2/3 số ca mắc bệnh của cả nước. Tại đây đang diễn ra tình trạng người trẻ tuổi vẫn cố tình tụ tập trên đường phố, tại các quán cà phê, nhà hàng, bất chấp yêu cầu thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội. Các chuyên gia dự báo, dịch bệnh tại Indonesia có thể lên tới đỉnh điểm với hàng trăm nghìn ca nhiễm và hàng nghìn ca tử vong vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Campuchia sẽ cách ly hơn 15.000 công nhân tại thủ đô Phnom Penh

Chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã chuẩn bị xong 37 trường học với 699 phòng để sẵn sàng cách ly trong 14 ngày gần 16.000 công nhân dệt may. Đây là các công nhân của 672 nhà máy, những người này đang chuẩn bị từ các tỉnh quay lại thủ đô Phnom Penh làm việc sau Tết cổ truyền của người Khmer. Campuchia chưa ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 nào trong 5 ngày qua với số trường hợp nhiễm bệnh vẫn duy trì ở mức 122 bệnh nhân, 98 người bình phục và không có ca tử vong nào.

Bất đồng trong chính trường Mỹ về việc ngừng tài trợ cho WHO

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phản đối quyết định rút tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi đây là quyết định "vô nghĩa", "bất hợp pháp" và nói rằng, các thành viên đảng Dân chủ sẽ thách thức động thái này ngay lập tức. Bà Pelosi cho rằng, WHO giữ vai trò cần thiết trong cuộc chiến với COVID-19. 

Trong khi đó, 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump không tài trợ cho WHO cho đến khi Tổng Giám đốc WHO từ chức. Đồng thời, các nghị sĩ trên bày tỏ ủng hộ ông Trump trong việc chỉ trích cách xử lý đại dịch COVID-19 của cơ quan LHQ này và đổ lỗi cho WHO cùng Trung Quốc cho quy mô của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.

Nhật Bản sẽ xem xét lại việc đóng góp tài chính cho WHO

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới có nhiều vấn đề và Nhật Bản sẽ xem xét lại việc đóng góp tài chính cho tổ chức này. Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Abe nêu rõ, Nhật Bản hiện phải kiên quyết ủng hộ WHO. Tuy nhiên, sự thật là có nhiều vấn đề , khúc mắc và cần phải xem xét lại điều này sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kết thúc.


Singapore: Bùng phát các ca COVID-19 ở các khu nhà lao động nhập cư Singapore: Bùng phát các ca COVID-19 ở các khu nhà lao động nhập cư Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19 Đức tuyên bố kiểm soát thành công tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19 Bill Gates tài trợ thêm 150 triệu USD chống dịch COVID-19 Bill Gates tài trợ thêm 150 triệu USD chống dịch COVID-19


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước