Những ngày qua, trong khi số ca bệnh và tử vong do COVID-19 tiếp tục hạ nhiệt tại nhiều khu vực, châu Âu lại chứng kiến nhiều "điểm nóng" mới khi số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng. Thêm vào đó, những "điểm mù" trong khả năng phát hiện và ngăn ngừa sự lây lan của các biến thể khiến nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về một "mùa đông đen tối" sắp đến gần ở một số nước tại châu lục này.
Dịch bệnh "nóng" trở lại ở châu Âu
Khu vực Đông Âu đang ghi nhận diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Các nước như Nga, Czech hay Ba Lan đều ghi nhận những con số đáng báo động về số ca mắc mới và tử vong.
Trong 24 giờ, Nga có thêm 1.028 ca tử vong do COVID-19 - mức cao nhất từ trước đến nay. Tổng số người không qua khỏi được đẩy lên mức 226.353 ca, con số cao nhất tại châu Âu. Hồi chuông cảnh báo này khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp với các thành viên Chính phủ Liên bang hôm 20/10 đã thông qua đề xuất "Những ngày không làm việc" nhưng vẫn được hưởng lương kể từ 30/10 đến 7/11 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thậm chí, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu quá nhanh, các khu vực sẽ được phép tự quyết định áp dụng "những ngày không làm việc" từ 23/10.
Các nước như Nga, Czech, Ba Lan đều ghi nhận những con số đáng báo động về số ca mắc mới và tử vong (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: "Hiện nay, điều đặc biệt quan trọng là phải hạ thấp đỉnh của làn sóng dịch bệnh mới. Và với tình hình hiện tại, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất 'những ngày không làm việc' được giữ nguyên lương trên cả nước kể từ 30/10 đến 7/11".
Sau khi kết thúc "Những ngày không làm việc", Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova khuyến khích người dân Nga tuân thủ nghiêm các yêu cầu kiểm tra QR-code nếu tham dự các sự kiện đông người. Các cơ sở y tế cũng cần thống kê hàng ngày tiến trình tiêm chủng, số lượng bệnh nhân khỏi bệnh cũng như kết quả xét nghiệm PCR để kịp thời phát hiện các ổ dịch mới.
Tại Czech, tổng số ca bệnh hiện đã tăng lên 1,71 triệu ca. Số ca mắc mới trong ngày 19/10 cao gấp hai lần số ca ghi nhận trước đó một tuần. Số ca nhập viện cũng tăng cao so với thời điểm đầu tháng, chủ yếu ghi nhận ở những người chưa tiêm phòng.
Trong khi đó, Ba Lan cũng lần đầu tiên kể từ tháng 5 ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 5.000 ca. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn hiện đang được giới chức nước này cân nhắc để kiềm chế đà tăng số ca bệnh mới.
Châu Âu chứng kiến nhiều "điểm nóng" mới khi số bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 không có dấu hiệu chững lại (Ảnh: Reuters)
Tại Bỉ, tình hình dịch COVID-19 cũng không mấy khả quan. Theo số liệu của Viện Y tế Công cộng Sciensano, từ 10 - 16/10, trung bình mỗi ngày Bỉ có thêm hơn 3.100 ca mắc mới, tăng 50% so với tuần trước đó. Ngoài ra, số ca tử vong trung bình mỗi ngày cũng tăng 13%.
Số ca bệnh mới tăng bất chấp các thành tựu tiêm chủng
Ngay cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, kết quả chống dịch vẫn hoàn toàn có thể bị đe dọa trong bối cảnh nhiều quốc gia nghèo khác vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nguồn cung vaccine cũng như sự đứt gãy của hệ thống y tế quá tải.
Ví dụ điển hình là Anh, quốc gia thuộc tốp đầu những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhưng số ca bệnh và tử vong do COVID-19 lại tăng trở lại. Trong ngày 19/10, nước này ghi nhận 223 ca tử vong vì COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 3 năm nay. Số ca mắc mới cũng duy trì ở mức trung bình 40.000 ca/ngày. Lãnh đạo ngành y tế Anh đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tái áp đặt một số biện pháp hạn chế nhằm giảm sức ép lên hệ thống y tế. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng tình từ giới chức Anh với lý do dịch COVID-19 hiện nay đã cải thiện hơn nhiều so với năm ngoái và nước Anh cần tìm cách sống chung với dịch bệnh.
Iceland, quốc gia đã tiêm chủng cho hơn 75% dân số, song khả năng bùng phát các ổ dịch mới vẫn hiện hữu. Chính phủ nước này theo đó đã áp đặt các quy định mới đối với du khách quốc tế: trình kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh nếu chưa tiêm vaccine đầy đủ hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Nếu không xuất trình giấy tờ chứng minh, hành khách sẽ không được phép lên máy bay.
Iceland hiện đã tiêm phòng cho hơn 75% dân số (Ảnh: Reuters)
Theo một số ý kiến chuyên gia, việc Ireland dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng chống COVID-19 từ ngày 22/10 cũng sẽ tạo ra nhiều "kẽ hở" giúp các ổ dịch có cơ hội bùng phát, bất chấp các thành tựu về tiêm chủng.
Tiêm mũi vaccine tăng cường
Trước những cảnh báo về một "mùa đông đen tối" cũng như những lo ngại về "đại dịch kép" khi COVID-19 và bệnh cúm đồng thời bùng phát trong những tháng cuối năm, việc kịp thời phòng, tránh kịch bản xấu là rất quan trọng.
Dù tỷ lệ mắc cúm mùa ở nhiều quốc gia đã giảm đáng kể do người dân tuân thủ các quy tắc đeo khẩu trang nơi công cộng, song các chính sách nới lỏng giãn cách mới đây có thể khiến tỷ lệ này gia tăng trở lại. Người dân theo đó được khuyến cáo sớm tiêm vaccine phòng ngừa cúm, bởi tiêm chủng vẫn là hình thức phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, do khả năng miễn dịch của cơ thể đã được chứng minh sẽ giảm dần theo thời gian và cần được tăng cường sau 6 tháng tiếp nhận vaccine, một số nước châu Âu đã lên kế hoạch triển khai mũi tiêm tăng cường.
Một số nước châu Âu đã lên kế hoạch triển khai mũi tiêm tăng cường (Ảnh: Reuters)
Italy đang tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, người già và nhân viên y tế. Quốc gia này cũng đang xem xét mở rộng nhóm đối tượng nên tiêm mũi vaccine thứ 3 từ cuối năm nay đến đầu năm sau để hạn chế rủi ro dịch bùng phát.
Cho đến nay, Italy có 86% số người đủ điều kiện tiêm chủng trên 12 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 81% đã được tiêm đủ liều, cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu. Theo Thứ trưởng nước này, ông Costa, Italy cơ bản mở cửa gần như toàn bộ và chỉ áp đặt giới hạn trong một số lĩnh vực nhờ tỷ lệ những người tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi đầu tăng lên. Điều này giúp giới chức Italy dễ dàng quản lý tình hình dịch bệnh và đẩy nhanh mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, các nước giàu cũng nên cân nhắc tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 cho những người đã tiêm đủ hai liều. Mục đích là để nhường vaccine cho những nước còn đang chưa tiêm đủ liều cho những người đủ điều kiện.
Người dân châu Âu được khuyến cáo sớm tiêm vaccine phòng ngừa cúm (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, các nước châu Âu cũng coi việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em là xu thế tất yếu để thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo vệ trẻ em vừa bảo vệ cộng đồng. Cuối tháng 5, Italy cho phép dùng vaccine của Pfizer cho trẻ từ 12 - 15 tuổi. Đan Mạch, Pháp cũng cho biết sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15. Tháng 8, đến lượt Đức và Tây Ban Nha đồng ý tiêm chủng cho mọi trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Estonia, Thụy Điển, Phần Lan… cũng có kế hoạch tiêm vaccine cho nhóm 12 - 15 tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!