Khẳng định trên đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tại cuộc họp diễn ra hôm qua (2/9) tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, để thảo luận những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh chết người vẫn đang lây lan nhanh chóng.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới cho biết, dịch Ebola hiện nay đã trở thành một mối đe dọa toàn cầu và yêu cầu nỗ lực cấp bách của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.
Bà Margaret Chan - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới nói: “Dịch bệnh Ebola hiện nay là dịch bệnh lớn nhất, nguy hiểm nhất và phức tạp nhất trong lịch sử 40 năm qua của căn bệnh này. Tính đến nay, đã có hơn 3.500 trường hợp nhiễm virus Ebola ở Guinea, Liberia, Sierra Leone và hơn 1.500 người tử vong. Dịch bệnh Ebola đang vượt ngoài nỗ lực kiểm soát của các nước này”.
Trong nỗ lực ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, bên cạnh việc thảo luận các biện pháp hỗ trợ về y tế, nguồn nhân lực, WHO cũng đã triển khai kế hoạch trị giá 490 triệu USD để giúp các nước kiểm soát dịch bệnh Ebola.
Cùng lúc này, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) cũng đã đưa ra một cảnh báo đặc biệt về an ninh lương thực dành cho 3 nước Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola hiện nay.
Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới, hạn chế các hoạt động trao đổi thương mại qua các cảng biển, hay việc thiết lập các vùng cách ly đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn lương thực, giá cả thực phẩm bị đẩy lên cao và tâm lý lo lắng khi mua hàng của người dân các nước có dịch Ebola bùng phát.
Ông Vincent Martin - Giám đốc Hệ thống Phòng ngừa Khẩn cấp và Hồi phục của FAO nói: “Ở nhiều nơi, các trang trại đã bị bỏ hoang; bên cạnh đó, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và thương mại cũng gặp nhiều hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới giá cả, mà còn ảnh hưởng tới cả nguồn cung thực phẩm, vì vậy người dân không đủ tiền mua lương thực hoặc không có khả năng tiếp cận tới lương thực”.