Trong tuần qua, Tiến sĩ Özlem Türeci, người đồng sáng lập hãng dược BioNTech, nhận định rằng, "thế giới cần trở lại trạng thái bình thường mới bởi COVID-19 sẽ còn đồng hành với chúng ta trong vài năm nữa". Một số quốc gia trên thế giới đang mở cửa trở lại, trước hết là lộ trình đón du khách quốc tế. Nhiệm vụ là phải tìm cách mở cửa trở lại an toàn, tìm giải pháp cân bằng giữa việc ngăn chặn bệnh dịch lây lan và khôi phục các hoạt động của cuộc sống.
Cuộc chiến chống COVID-19 sang giai đoạn mới ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, cuộc chiến chống dịch bệnh đang bước sang giai đoạn mới. Sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ trong tuần này, người dân Nhật Bản vẫn phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch cơ bản như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người. Người dân nào cũng có thể mua bộ dụng cụ xét nghiệm tại các hiệu thuốc để tự kiểm tra.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng và giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như một trong những điều kiện quan trọng để nới lỏng các quy định về đi lại, nhất là đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản.
Một số quốc gia đang mở cửa trở lại, bắt đầu giai đoạn mới trong ứng phó COVID-19. (Ảnh: AP)
Australia thử nghiệm công nghệ giúp cách ly tại nhà
Trong khi đó, tại Australia, giới chức đang khẩn trương củng cố hệ thống kiểm dịch của mình để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại biên giới, khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 sắp đạt đến cột mốc quan trọng mà giới chức đề ra là 80%. Và sử dụng công nghệ là cách để Australia có thể mở cửa an toàn.
Đó là lý do Australia cho thử nghiệm hệ thống cách ly tại nhà sử dụng công nghệ. Những người đã được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ chỉ phải cách ly một hoặc hai ngày tại nhà, với điều kiện họ phải tải ứng dụng "Orwellian". Ứng dụng sử dụng phần mềm định vị địa lý và nhận dạng khuôn mặt để theo dõi những người trong vùng cách ly. Ứng dụng sẽ liên hệ với mọi người một cách ngẫu nhiên, yêu cầu họ cung cấp bằng chứng về vị trí của họ trong vòng 15 phút.
Ứng dụng này đang được thử nghiệm trên đối tượng cư dân, khách du lịch trong nước và một số phi hành đoàn của hãng máy bay Qantas.
Thế giới đối mặt với khủng hoảng năng lượng
Một vấn đề nóng khác trong tuần này là câu chuyện khủng hoảng năng lượng. Trong bối cảnh mùa đông đang đến ở Bắc Bán cầu, nhu cầu năng lượng của người tiêu dùng và các nhà máy đã tăng trở lại sau những tháng đỉnh dịch, khiến tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ngày càng trầm trọng.
Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng thiếu điện. Tình trạng thiếu điện đã khiến nhiều nhà máy buộc phải tạm ngừng sản xuất. Một số nơi ở Trung Quốc đã phải thực hiện cắt điện luân phiên.
Khủng hoảng thiếu nhiên liệu đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, vào mùa đông này, Mỹ đang gặp nguy cơ thiếu khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt tại quốc gia này hiện đang tiến sát mốc cao nhất kể từ năm 2014. Nguyên nhân một phần do đại dịch khiến nguồn nhân lực trong ngành dầu mỏ bị thiếu hụt trầm trọng.
Giá năng lượng đã tăng vọt trên khắp châu Âu, phần lớn là do giá khí đốt bán buôn tăng gấp 3 lần. Ngay trong ngày vừa qua, người dân tại Vương quốc Anh đã chứng kiến cơn sốt mua xăng dầu tích trữ, điều hiếm khi xảy ra.
Gần 1/3 trong số 1.200 trạm xăng tại Anh của tập đoàn dầu khí BP đã hết hai loại nhiên liệu chính. Tại những điểm còn xăng, các phương tiện xếp hàng dài cả ngày lẫn đêm. Lý do là sau Brexit, Anh thiếu tới 100.000 tài xế xe bồn do công việc này trước đây thường là công dân các nước EU sang làm.
Giới chức y tế đã kêu gọi Chính phủ Anh có hành động khẩn cấp để lực lượng nhân viên y tế được ưu tiên mua xăng vì họ còn cứu chữa nhiều sinh mạng.
Chính phủ Anh đã đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng để tham gia vận chuyển nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu, đồng thời dự định cấp visa tạm thời cho 5.000 tài xế nước ngoài. Mùa đông đang đến, mang theo nỗi lo về những làn sóng dịch mới và tình trạng thiếu điện, khí đốt, xăng dầu tại hàng loạt quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!