Những "màu xanh" đem cuộc sống dần trở lại
Tỷ lệ tiêm chủng cao, hợp tác, chia sẻ dữ liệu và những giải pháp số đang giúp các nước từng bước khôi phục lại hoạt động thông qua những "bong bóng du lịch", "hành lang xanh", kết nối những "điểm đến xanh" an toàn. Việc tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp kích hoạt quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong giai đoạn bình thường mới. Có thể nói, đó là những "màu xanh" giúp cuộc sống của chúng ta dần trở lại.
Những điểm đến hàng đầu ở châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland, Hy Lạp đều đã lần lượt mở cửa đón khách quốc tế. Dữ liệu của công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys cho thấy, Hy Lạp là quốc gia có ngành du lịch phục hồi tốt nhất tại châu Âu, với lượng khách trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua đạt 86% so với cùng kỳ của năm 2019 (thời điểm trước khi COVID-19 xuất hiện). Có được điều này là nhờ nhiều nước châu Âu đang sử dụng Thẻ xanh (giấy chứng nhận tiêm chủng), vận hành một bản đồ linh hoạt với các mã màu, trong đó màu sắc thể hiện tình hình dịch bệnh mới nhất của từng quốc gia cùng các biện pháp hạn chế tương ứng. Màu sắc được cập nhật thường xuyên, du khách hoặc chính quyền chỉ cần đối chiếu vào bản đồ để đưa ra quyết định.
Tại châu Á, Trung Quốc đang được coi là mô hình phục hồi ngành du lịch nội địa hiệu quả trong khi vẫn đóng cửa với khách nước ngoài. Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, tỷ lệ lấp phòng khách sạn và lượng hành khách bay nội địa đã tăng trở lại, đạt 90% con số cùng kỳ năm 2019. Yêu cầu bắt buộc là người dân phải sử dụng một ứng dụng trên điện thoại và quét mã QR để lưu lại hành trình của mình sẽ giúp công tác truy vết nếu phát hiện ca nhiễm mới.
Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines cũng đang dần thí điểm các chương trình "bong bóng du lịch", "hành lang xanh". Những hướng đi này dự kiến sẽ đem lại sự hồi phục về du lịch cho các quốc gia khi tỷ lệ phủ vaccine tại những trung tâm du lịch đạt tiêu chuẩn.
Những khó khăn khi mở cửa lại
Tuy nhiên, việc mở cửa các ngành dịch vụ, du lịch trong bối cảnh đại dịch gặp không ít khó khăn, khi một số biến thể của virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới vẫn còn cao.
Tại Thái Lan, chỉ 10 ngày sau khi mở cửa du lịch từ ngày 1/7, đảo Phuket đã phát hiện một số ca mắc biến thể Delta, buộc nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp chống dịch và đóng cửa trường học để ngăn chặn virus lây lan bởi học sinh là nhóm chưa được tiêm chủng vào thời điểm đó.
Cuộc sống bình thường mới sẽ không thể tách rời với việc thực hiện các biện pháp phòng dịch. (Ảnh: AP)
Tháng 5/2021, Israel đã cho phép các nhóm du khách nhỏ nhập cảnh. Hơn 2.000 du khách đã tới quốc gia này, chủ yếu từ Mỹ và châu Âu, làm dấy lên hy vọng hồi phục ngành công nghiệp này sau nhiều tháng tê liệt. Tuy nhiên, đến tháng 8, sáng kiến này phải dừng lại vì biến chủng Delta lây lan quá mạnh, khiến số ca mắc tăng trở lại ở Israel, dù nước này thuộc những nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm vaccine COVID-19. Những ví dụ này cho thấy, việc phục hồi các hoạt động trong bối cảnh đại dịch phải theo một lộ trình thận trọng, từng bước và có kiểm soát, tùy thuộc vào diễn biến dịch và tốc độ tiêm chủng.
Mở cửa an toàn để không bị dịch bệnh cản trở
Nhận thức được điều này, các nước trên thế giới đang thúc đẩy kế hoạch tìm cách mở cửa trở lại an toàn, tìm giải pháp cân bằng giữa việc ngăn chặn bệnh dịch lây lan và khôi phục các hoạt động của cuộc sống. Điều này đòi hỏi các quốc gia đáp ứng được đồng thời nhiều yêu cầu khác nhau.
Một trong những yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo các môi trường công cộng và điểm đến an toàn, với vaccine COVID-19 là vũ khí hữu hiệu nhất. Các mô hình "giấy chứng nhận vaccine", "bong bóng vaccine" cho phép những người đã tiêm chủng được đến nơi công cộng hay chỗ làm việc.
Tuy nhiên, tiêm vaccine là điều kiện cần nhưng chưa đủ để an toàn mở cửa khi biến thể Delta vẫn hoành hành. Quốc gia từng nằm trong số các nước đi đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine là Israel hiện chứng kiến số ca mắc trung bình hàng ngày trên 5.000 người. Với gần 80% dân số đã được tiêm vaccine, Singapore mới đây cũng phải trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế khi số ca nhiễm vẫn liên tục tăng cao.
Điều đó cho thấy, kết quả phòng chống dịch bằng cách tổng hợp tất cả các biện pháp vẫn là yếu tố quyết định để thực hiện kế hoạch mở cửa một cách an toàn, linh hoạt theo lộ trình từng bước. Do đó, theo các chuyên gia, song song với đẩy mạnh tiêm vaccine, các nước vẫn cần chú trọng những yêu cầu phòng dịch như đảm bảo giãn cách và bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng hay sử dụng các công cụ sàng lọc.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn khi mở cửa, cần có sự phân loại các ngành dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Chính phủ Campuchia mới đây tiếp tục ban hành quyết định ngừng hoạt động đối với một số ngành nghề kinh doanh có nguy cơ lây nhiễm cao như câu lạc bộ, quán karaoke, quán bar, quán rượu… Nhật Bản, một trong số ít các nước không áp dụng "phong tỏa cứng", cũng yêu cầu các ngành dịch vụ có nhiều tiếp xúc gần giới hạn thời gian hoạt động. Với những ngành dịch vụ được hoạt động trở lại, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, với biến thể Delta, các nước đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình phòng dịch linh hoạt hơn thay vì áp đặt phong tỏa hoàn toàn.
Dựa trên sự kết hợp các chiến lược như vậy, mỗi quốc gia lại có một lộ trình mở cửa an toàn khác nhau. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng nhất để thế giới có thể mở cửa an toàn trở lại chính là mỗi người dân cần ý thức về sự hiện hữu của dịch bệnh để tự bảo vệ bản thân và cộng đồng. Cuộc sống bình thường mới sẽ không thể tách rời với việc thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt không được mất cảnh giác trước nguy cơ COVID-19 có thể lây lan dù nhiều biện pháp hạn chế xã hội được nới lỏng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!