Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đang phải đối mặt với các thách thức về mất an ninh lương thực, cạnh tranh gay gắt trong sản xuất và thương mại nông nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Những trở ngại trên đặt ra yêu cầu APEC phải đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác. Đây là nội dung chính của diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mở đầu diễn đàn, Tổ chức Nông Lương LHQ khẳng định, khái niệm an ninh lương thực phải được hiểu là việc đảm bảo cho tất cả người dân có quyền tiếp cận thực phẩm an toàn, đầy đủ và có cuộc sống khỏe mạnh dựa trên 4 yếu tố: an ninh lương thực phải sẵn có, tiếp cận được, sử dụng được và nguồn cung ổn định. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang gây tác động lớn đến an ninh lương thực của các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chỉ tính riêng trong thập kỷ từ năm 2003 - 2013, thất thoát trong nông nghiệp là 48 tỷ USD nhưng 77% trong số đó là do thiên tai, lũ lụt…
Các đại biểu tại diễn đàn nhìn nhận, trong những năm qua, các nền kinh tế của APEC đã có những bước chuyển lớn về nông nghiệp xuất phát từ các thay đổi về thu nhập hộ gia đình, thị hiếu tiêu dùng, sự chuyển đổi trong hệ thống phân phối thực phẩm cũng như do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu. Điều này đã đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển nông nghiệp bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!