Xu hướng đầu tiên nổi bật trong báo cáo về các rủi ro toàn cầu 2017 là những căng thẳng chính trị. Năm 2017, liên minh châu Âu EU đứng trước thử thách lớn khi các cuộc bầu cử quan trọng tại Hà Lan, Pháp, Đức và Italy diễn ra. Các cuộc chạy đua này đang chứng kiến sự nổi lên của các chính khách và các đảng phái có tư tưởng hoài nghi châu Âu, phản đối hội nhập và muốn tổ chức trưng cầu dân ý rời EU.
Việc đại diện đảng phái nào sẽ trở thành Tổng thống, Thủ tướng ở những nước trên sẽ quyết định diện mạo của châu Âu thời gian tới. Trong khi đó, bất bình đẳng trong thu nhập, khoảng cách giàu nghèo gia tăng khi 8 người giàu nhất thế giới sở hữu tài sản lớn hơn nửa thế giới cộng lại cũng sẽ là một yếu tố tác động đến quyết định của cử tri.
Nguy cơ lớn thứ hai là sự ấm lên của khí hậu toàn cầu với vị trí hàng đầu là nguy cơ về các "hiện tượng thời tiết cực đoan".
Mặc dù Hội nghị Paris về khí hậu COP21 từng ghi nhận những tiến bộ đáng kể, bản báo cáo rủi ro toàn cầu đánh giá rằng những thay đổi chính trị hiện nay đe dọa đà tiến triển mà Thoả thuận Paris mang lại.
Thách thức lớn thứ ba mà báo cáo nhấn mạnh là vấn đề "xã hội không tiến kịp sự phát triển của công nghệ". Trong năm ngoái, Hội nghị thường niên Davos đã nhấn mạnh chủ đề cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này đang trở thành thực tế, trong các nhà máy và trong tất cả các lĩnh vực, máy móc đang dần thay thế con người.
Trong số 12 công nghệ mới nổi, các chuyên gia cho rằng, trí thông minh nhân tạo và robot có nguy cơ mang lại những hậu quả tiêu cực đối với việc làm và sự ổn định của xã hội. Đào tạo, bảo vệ quyền riêng tư của con người, nâng cấp các kỹ năng và chuyên môn là những việc làm cần thiết. Để đối đầu với thời đại của máy móc, chính con người cần phải được nâng cấp hơn cả.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!