Bản báo cáo cũng cho thấy, tội phạm ma túy trong khu vực, đặc biệt là tại điểm nóng Tam giác Vàng vẫn đang rất phức tạp.
Theo Báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), do gặp khó khăn về kinh tế, nhiều người Myanmar, đặc biệt là người dân tại vùng Tam Giác vàng đã quay trở lại trồng thuốc phiện. Trong mùa vụ 2021 - 2022, diện tích trồng thuốc phiện ở Myanmar đã tăng 33% so với năm trước lên hơn 40.000 ha và sản lượng ước đạt 790 tấn, tăng khoảng 90% so với năm trước đó.
Và dù sản lượng tăng nhưng giá bán thuốc phiện tại trang trại cũng đã tăng lên khoảng 280 USD/kg, tăng 69% so với năm trước.
Theo UNODC, bang Shan, nằm ở miền Bắc Myanmar, thuộc khu vực Tam giác Vàng, là điểm nóng sản xuất ma túy hàng đầu tại Đông Nam Á và là nơi có nhiều nhóm vũ trang khác nhau đang hoạt động. Liên hợp quốc ước tính, giá trị ngành công nghiệp thuốc phiện ở khu vực Tam giác Vàng của Myanmar có trị giá từ 600 triệu USD đến 2 tỷ USD.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Myanmar đã triển khai nhiều chiến dịch đấu tranh với tội phạm ma túy. Đầu tháng 1 này, cảnh sát Myanmar đã thu giữ 1,35 tấn ma túy dạng caffeine ở bang Shan với trị giá hơn 100 triệu Kyat (khoảng 47.600 USD). Trước đó, Myanmar đã thiêu hủy lượng ma túy trị giá hơn 0,5 tỷ USD nhân Ngày Thế giới phòng chống ma túy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!