Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AP)
Đề xuất này do Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho hơn 100 nước đưa ra. Nghị quyết được thông qua tại phiên họp thường niên cấp bộ trưởng lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến.
Các nước đã kêu gọi đánh giá một cách khách quan, độc lập và toàn diện về phản ứng quốc tế đối với đại dịch COVID-19, hiện đã lây nhiễm cho hơn 4,9 triệu người và cướp đi sinh mạng của trên 324.000 người trên toàn cầu.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, nói: "Tôi cảm ơn các quốc gia thành viên đã thông qua nghị quyết yêu cầu đánh giá độc lập và toàn diện về phản ứng quốc tế đối với COVID-19 nhưng không giới hạn đối với hoạt động của WHO".
Theo EU, một cuộc điều tra độc lập về cách thức đại dịch này bắt đầu và lan rộng sẽ rất quan trọng để tăng cường sự chuẩn bị toàn cầu cho tương lai.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết: "Chúng ta chưa có sự chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn như vậy. Đây là bài học mà chúng ta nhận được. Chúng ta phải tăng cường cơ chế cảnh báo sớm, trao đổi thông tin, xác định thực tiễn tốt nhất để cải thiện sự chuẩn bị đại dịch của cộng đồng quốc tế".
Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia cam kết đảm bảo quyền truy cập minh bạch, công bằng và kịp thời đối với bất kỳ phương pháp điều trị hay vaccine nào được phát triển nhằm phòng chống COVID-19.
Trước đó, EU tuyên bố ủng hộ WHO và những nỗ lực đa phương nhằm chống lại đại dịch COVID-19 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rút Mỹ khỏi cơ quan toàn cầu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!