Trưa 12/6, theo giờ Washington (rạng sáng nay theo giờ Hà Nội), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu hai dự luật: dự luật TAA về trợ giúp người lao động Mỹ bị mất việc do tác động bởi các Hiệp định thương mại và dự luật TPA về Trao quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại cho Tổng thống.
Đây là những dự luật liên quan trực tiếp đến việc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ. Mặc dù đã nỗ lực đến tận phút chót, nhưng cuối cùng, ông Obama đã không thuyết phục được Hạ viện Mỹ.
Trong một động thái hiếm thấy, ngay trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về các dự luật liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Obama đã bất ngờ tới trụ sở Quốc hội tại đồi Capitol. Tại đây ông đã có cuộc họp kín và khẩn cấp với các hạ nghị sĩ Dân chủ, có bài phát biểu để thuyết phục, hay theo cách nói của báo giới Mỹ, là khẩn thiết đề nghị chính các hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ của ông không “giết chết” kế hoạch TPP của Nhà Trắng.
Thực ra chính các nghị sĩ đảng Dân chủ đã khởi xướng dự luật TAA hỗ trợ người lao động bị mất việc do tác động của các hiệp định thương mại. Nhưng đến thời điểm này, do không ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên các hạ nghị sĩ Dân chủ lại quay ra phản đối TAA. Vì nếu không có TAA, dự luật TPA trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống có được thông qua cũng chẳng ý nghĩa gì.
Kịch bản đã diễn ra đúng như vậy. Bất chấp nỗ lực của ông Obama, đa số các hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu chống dự luật TAA về hỗ trợ người lao động. TAA không được thông qua, nên dù sau đó, Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật TPA trao quyền đàm phán nhanh, nhưng vẫn chưa thể được chuyển sang Nhà Trắng cho ông Obama ký ban hành thành luật.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa hết hoàn toàn. Các hạ nghị sĩ Cộng hòa đã kêu gọi bỏ phiếu lại TAA vào thứ ba tuần tới và ông Obama sẽ có mấy ngày cuối tuần để tìm kiếm sự ủng hộ từ các hạ nghị sĩ Dân chủ.
Một kịch bản khác là, dự luật TPA trao quyền đàm phán nhanh mà Hạ viện vừa thông qua được chuyển lên thượng viện bỏ phiếu. Nếu thượng viện thông qua thì Tổng thống có thể ký ban hành thành luật và ông Obama lúc đó sẽ có nhiều quyền chủ động để sớm kết thúc đàm phán TPP với các đối tác. Nhưng kịch bản này được cho là cũng rất khó khăn, vì Thượng viện khó mà chấp nhận thông qua TPA mà không có TAA đi kèm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.