Theo một nghiên cứu vào tháng 11/2023 của Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), thuế đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể ngăn ngừa tới 240.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong 20 năm tới, đồng thời có thể giúp tránh hoặc giảm từ 17.000 đến 30.000 ca tử vong. Biện pháp trên cũng có thể tiết kiệm được tới 16 tỷ Euro trong giai đoạn này, trong khi chỉ riêng hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể tiết kiệm được 4 tỷ Euro.
Ở Đức, khoảng 50% số người trưởng thành hiện nay hơi thừa cân, gần 20% bị béo phì. Hơn 7% dân số Đức mắc bệnh tiểu đường và con số này đang gia tăng.
Việc tiêu thụ quá nhiều đường gây ra bệnh tật và là gánh nặng cho ngân sách công. Khi các cá nhân không đủ sức khỏe để làm việc, chi phí bảo hiểm y tế sẽ tăng lên.
Đó là lý do tại sao sự chú ý hiện nay chuyển sang tác động của đồ uống có đường. Việc tiêu thụ nước ngọt, nước tăng lực và những thứ tương tự được coi là yếu tố chính làm gia tăng tình trạng béo phì trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã khuyến nghị đánh thuế những loại đồ uống có đường dạng này. Bộ trưởng Bộ Lương thực và Nông nghiệp Đức Cem Özdemir đã ủng hộ ý tưởng này. Các bang hiện đang kêu gọi Chính phủ Liên bang Đức xem xét áp dụng đánh thuế đồ uống có đường.
Theo một nghiên cứu vào tháng 11/2023 của Đại học Kỹ thuật Munich, việc áp dụng thuế đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể đem lại hiệu quả cao.
Nhìn chung, lực lượng lao động sẽ được hưởng lợi do số ngày nghỉ ốm ít hơn, người trong độ tuổi lao động sẽ ít nghỉ hưu sớm và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tật hơn. Nền kinh tế nói chung sẽ được hưởng lợi từ đánh thuế đồ uống có đường.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Washington ở thành phố Seattle (Mỹ) với khoảng 6.000 đối tượng cho thấy loại thuế này có thể làm giảm chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI) của trẻ em và thanh thiếu niên nói riêng. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Munich chỉ ra rằng thanh thiếu niên có nhiều khả năng tiêu thụ đồ uống có đường hơn, theo đó thuế đồ uống có đường có thể mang lại thêm lợi ích sức khỏe cho nhóm tuổi này.
Hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới đã áp dụng thuế đối với nước giải khát có đường - bao gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan, cũng như Ấn Độ, Nam Phi, Chile và Saudi Arabia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!