Theo tài liệu đang được bàn thảo, để ngăn chặn các phần tử thánh chiến trở lại Đức, nước này sẽ xem xét tước quốc tịch những đối tượng chiến đấu cho một tổ chức khủng bố nước ngoài và có quốc tịch khác bên cạnh quốc tịch Đức.
Ngoài ra cũng có thể xem xét gắn thẻ điện tử đối với các trường hợp từng gia nhập IS nay đã trở lại Đức. Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cũng cân nhắc tước thẻ căn cước và hộ chiếu của các đối tượng hậu thuẫn cho IS để ngăn chặn việc các trường hợp này đi tới các khu vực hiện do IS kiểm soát.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn mối đe doạ từ các phần tử Hồi giáo cực đoan hay các đối tượng cánh hữu, liên minh cầm quyền đã thảo luận khả năng tăng cường giám sát bằng hình ảnh ở nơi công cộng. Chính phủ Đức còn tìm cách tạo cơ sở pháp lý để sung công các tài sản nghi liên quan tới khủng bố.
Trước đó, Cục Bảo vệ Hiến pháp Đức (BfV) cho biết, đã có trên 800 người từ Đức tới Syria hoặc Iraq để tham gia thánh chiến và khoảng 70 người trở về Đức từng tham gia chiến đấu hoặc trải qua các khoá huấn luyện trong các trại khủng bố.
Tuy nhiên, theo một phán quyết của Toà án Hiến pháp liên bang Đức ngày 20/4, nhiều điểm trong Luật chống khủng bố cho phép Cục Hình sự liên bang (BKA) thực thi các biện pháp nghiệp vụ là vi phạm hiến pháp, cần phải sửa đổi để tới giữa năm 2018 có thể thực thi một cách hợp pháp. Toà án Hiến pháp cho rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố là quan trọng, song không thể "muốn là làm" mà không có giới hạn, trong đó có điều cho phép lực lượng điều tra theo dõi, do thám nơi ở cũng như máy tính của các nghi can.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.