Đức tăng cường đáng kể việc cung cấp vũ khí cho Kiev trong những tháng gần đây, đặc biệt là xe tăng loại Leopard. (Ảnh: Lemonde)
Phát biểu trong chuyến đi thăm một căn cứ tại bang Bavaria ở miền Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius bày tỏ sự thận trọng trước các đề nghị cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine và cho biết, vấn đề này không nằm trong các ưu tiên của Đức. Đức hiện sở hữu tên lửa hành trình không đối đất Taurus với tầm bắn lên tới hơn 500 km.
Chính phủ Đức cho rằng xung đột với Nga sẽ leo thang nếu loại vũ khí này được cung cấp cho Ukraine dù đã tăng cường đáng kể việc cung cấp vũ khí cho Kiev trong những tháng gần đây, đặc biệt là cung cấp xe tăng loại Leopard.
Người đứng đầu quân đội Đức lo ngại, tầm xa của tên lửa này có thể vươn tới các mục tiêu nằm ngoài đường biên giới của Ukraine. Đức hiện cũng phản đối việc cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 cho Kiev.
Tuy nhiên, ông Pistorius khẳng định, việc hỗ trợ Ukraine trong lĩnh vực phòng không, huấn luyện, kỹ thuật là ưu tiên hàng đầu và cũng là năng lực cốt lõi của Berlin.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius. (Ảnh: AP)
Trước đó, cuối tháng 5 vừa qua, Ukraine đã đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus có tầm bắn hơn 500 km do Đức và Thụy Điển hợp tác phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ Đức vẫn từ chối yêu cầu này.
Đức hiện là quốc gia cung cấp hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, giống như Washington, Berlin phản đối việc gửi cho Kiev các vũ khí tấn công tầm xa có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột hiện nay ở nước này.
Trong nội bộ NATO hiện vẫn chia rẽ có sự nhất định trong chính sách hỗ trợ vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Hai thành viên quan trọng Đức, Mỹ dẫn đầu nhóm phản đối cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, trong khi bên ủng hộ bao gồm Anh, Pháp và các nước Đông Âu.
Đầu tháng 7/2023, theo chân Anh, Pháp đã quyết định cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Scalp, hay còn gọi là Storm Shadow, một loại tên lửa không đối đất có khả năng tấn công các mục tiêu trong phạm vi 250 km.
Ngày 3/8, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Belarus với cáo buộc ủng hộ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine. Theo gói trừng phạt mới, bên cạnh bổ sung 38 cá nhân và 3 tổ chức vào danh sách trừng phạt, EU còn cấm xuất khẩu các loại vũ khí, đạn dược và các thành phần công nghệ có thể sử dụng cho lĩnh vực hàng không, vũ trụ cũng như phục vụ sản xuất máy bay không người lái của Belarus.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!