Đức lo ngại về các biện pháp trừng phạt Nga

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 05/01/2015 14:07 GMT+7

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc gặp. (Ảnh: Reuters)

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đã bày tỏ quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt Nga.

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Hình ảnh Chủ nhật" ngày 4/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đã bày tỏ quan ngại về những tác động ngược trở lại châu Âu của các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo Phó Thủ tướng Đức, các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây có thể tiếp tục gây bất lợi cho Nga nhưng mục đích của việc làm này là nhằm kéo Nga trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, chứ không phải để gây rối loạn kinh tế và chính trị nước Nga. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn hỗ trợ giải quyết cuộc xung đột Ukraine, nhưng không phải để khuất phục Nga". Theo ông, có thể có một số thế lực ở Mỹ và châu Âu muốn "khuất phục các đối thủ siêu cường trước đây" nhưng việc gây rối loạn cho Nga chỉ đẩy châu Âu vào thế nguy hiểm. Ông Gabriel cũng bày tỏ mong muốn Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G-8) vào mùa Hè này tại Đức.

Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, ông Hans-Werner Sinn, cũng cảnh báo nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu, nhất là những ngân hàng của Pháp và Áo vốn có hợp tác chặt chẽ với Nga.

Cũng trên tờ "Hình ảnh Chủ nhật" ngày 4/1, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ hy vọng vào khả năng tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine sau khi ông vừa có một loạt cuộc trao đổi và điện đàm với những người đồng cấp một số nước. Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nói rõ: "Trong năm mới, có thể chúng ta có những cơ hội mới để đạt được những tiến triển trong cuộc khủng hoảng Ukraine". Tuy nhiên, để đạt được những tiến triển đó, các bên liên quan phải lấy Thỏa thuận Minsk làm cơ sở cho các cuộc thương lượng, trong đó phải tiến tới ngừng bắn thực sự, thiết lập đường giới tuyến, rút vũ khí hạng nặng và tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ nhân đạo.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước