Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AP)
Bà Merkel kêu gọi, người dân Đức nên kiên nhẫn tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Một ngày sau khi đồng ý với thống đốc các bang về việc mở rộng những biện pháp hạn chế ít nhất đến ngày 20/12, khi phát biểu trước quốc hội Đức, bà Merkel cho biết, giới chức nước này đã tìm kiếm và triển khai những biện pháp phòng dịch hiệu quả, qua đó bảo vệ cư dân trước đại dịch, đồng thời giữ cho cuộc sống của người dân được bình thường nhất có thể và đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải.
Đức áp đặt lệnh đóng cửa từ ngày 2/11. Theo đó, các nhà hàng, quán bar, cơ sở thể thao và giải trí tạm dừng hoạt động, nhưng trường học, cửa hàng và tiệm làm tóc vẫn được phép mở cửa.
Ngày 27/11, Đức đã có trên 1 triệu người nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)
Theo dữ liệu từ Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức, ngày 27/11, quốc gia này đã có hơn 15.000 ca tử vong vì COVID-19 và vượt mốc 1 triệu người nhiễm bệnh. Đức, quốc gia có 83 triệu dân, được ghi nhận là nước đã có những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khá hiệu quả trong giai đoạn đầu bùng phát dịch. Đức có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp hơn và lệnh đóng cửa hiện tại được cho là "mềm mại" hơn so với một số quốc gia châu Âu khác.
Dự kiến, các nhân viên y tế sẽ là đối tượng ưu tiên số 1 được tiêm vaccine COVID-19 tại Đức. Sau đó, Chính phủ Đức sẽ tiêm vaccine cho các nhóm ưu tiên tiếp theo như người cao tuổi hay người mắc các bệnh kinh niên. Theo Thủ tướng Đức, hiện số người này lên tới 27 triệu người và nước Đức không thể đề ra các biện pháp ép buộc để cách ly những người này khỏi xã hội, do đó, việc tiêm vaccine là giải pháp tối ưu. Dù tự tin về năng lực y tế của Đức nhưng Thủ tướng Merkel cũng cảnh báo, những tháng ngày khó khăn với nước này vẫn còn kéo dài đến hết mùa đông năm nay trong bối cảnh nước Đức vẫn đang có số ca mắc mới và số ca tử vong cao.
Từ ngày 9/11, 4 hãng dược phẩm đã thông báo, vaccine của họ đạt hiệu quả từ 90%. Công ty đầu tiên công bố kết quả thử nghiệm vaccine COVID-19 giai đoạn 3 là tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer (Mỹ) hợp tác với công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức), tiếp theo là công ty Moderna của Mỹ, AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford, Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!