Duyệt binh Ngày Chiến thắng: Niềm tự hào về sức mạnh quân sự Nga

Nhật Linh - Khắc Long (PV THVN tại Nga)-Thứ hai, ngày 22/06/2020 21:17 GMT+7

VTV.vn - Kể từ năm 1995, cuộc duyệt binh hàng năm vào ngày 9/5 lịch sử mới được biết đến ở nước Nga, và trở thành niềm kiêu hãnh về truyền thống và tự hào về sức mạnh quân sự.

Ngày 9/5 là Ngày chiến thắng phát xít Đức trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, là thời điểm mà hàng năm cả nước Nga vẫn rầm rộ tổ chức duyệt binh kỷ niệm với lực lượng quân nhân hùng hậu và các trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất.

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định dời thời điểm tổ chức cuộc duyệt binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow sang ngày 24/6. Trên thực tế, lễ duyệt binh chiến thắng đầu tiên trong lịch sử Liên Xô cũng đã diễn ra không phải vào tháng 5, mà vào đúng ngày 24/6, cách đây 75 năm.

Cuộc duyệt binh của những người chiến thắng năm 1945 là một sự kiện đặc biệt không chỉ với Liên Xô, mà với toàn thế giới. Đã có hơn 100 nhà quay phim và phóng viên ảnh có mặt tại đây thời điểm đó, nhiều người vừa trở về từ mặt trận. Và những hình ảnh lịch sử được ghi lại trên chính những cuộn phim màu là chiến lợi phẩm từ nước Đức.

Sáng 9/5 theo giờ Moscow, Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh. Đúng 10h ngày 24/6/1945 lễ duyệt binh mừng Chiến thắng lịch sử trên Quảng trường Đỏ bắt đầu.

Duyệt binh Ngày Chiến thắng: Niềm tự hào về sức mạnh quân sự Nga - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga chuẩn bị cờ trên xe bọc thép trong cuộc diễn tập ngày 20/6 ở thủ đô Matxcơva. Ảnh: Reuters

Đây là cuộc duyệt binh dài nhất và lớn nhất từng được tổ chức bên tường thành Điện Kremly. 24 nguyên soái, 249 tướng lĩnh và gần 35 nghìn sĩ quan, binh lính cùng 1.850 đơn vị khí tài quân sự đã tham gia vào cuộc duyệt binh kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ dưới trời mưa lạnh.

Ông Vladimir Medinsky - Trợ lý Tổng thống, Chủ tịch Hội Lịch sử - Quân sự Nga cho biết: "Một tháng chuẩn bị cho cuộc duyệt binh quy mô lớn như thế thực sự là thời gian rất ngắn, yêu cầu lúc đó là phải có mặt tất cả các đơn vị tiền tuyến. Cần phải đưa những người lính về Moscow, cần phải huấn huyện họ diễu binh. Họ biết cách đánh bại bất kỳ kẻ thù nào, nhưng chưa học diễu binh. Những chiến sĩ được lựa chọn đều có thành tích ưu tú, dưới 30 tuổi và trên 1m70. Tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ. 11 trung đoàn kết hợp đã được thành lập, gồm 10 trung đoàn đại diện cho 10 phương diện quân và 1 trung đoàn từ hải quân".


Duyệt binh Ngày Chiến thắng: Niềm tự hào về sức mạnh quân sự Nga - Ảnh 2.

Người dân thủ đô Moscow ghi lại hình ảnh xe quân đội chuẩn bị diễn tập ngày 20/6

Tiếp nhận và giám sát duyệt binh trên Quảng trường Đỏ là Nguyên soái Zhukov. Chỉ huy lễ duyệt binh là Nguyên soái Rokossovsky. Trong khi người đứng đầu Liên Xô lúc đó là Stalin cùng các quan chức cấp cao theo dõi toàn bộ buổi lễ từ khán đài Lăng Lenin. Đây là một trong những điều khác thường gắn liền với nhiều giai thoại về cuộc duyệt binh năm 1945.

Theo ông Vladimir Medinsky - Trợ lý Tổng thống, Chủ tịch Hội Lịch sử - Quân sự Nga: "Có nhiều truyền thuyết xung quanh lý do tại sao Tổng tư lệnh tối cao là Stalin không trực tiếp điều hành cuộc duyệt binh. Thực ra không có thuyết âm mưu nào cả. Stalin khi đó không còn trẻ, không còn vững chãi trên yên ngựa, vì vậy ông đã nói với Zhukov "Anh trẻ hơn, anh là một kỵ binh, hãy tiếp nhận cuộc duyệt binh".

Quân kỳ của các đơn vị lính Đức quốc xã rơi xuống trên mặt đá Quảng trường Đỏ vào ngày 24/6/1945 đã trở thành hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ với cả thế giới về cuộc duyệt binh Chiến thắng đầu tiên của Hồng quân Liên Xô.

Phải đến 20 năm sau, vào ngày 9/5/1965 cuộc duyệt binh mừng ngày Chiến thắng lần thứ 2 mới diễn ra. Và chỉ có 4 lần duyệt binh mừng Chiến thắng phát xít Đức được tổ chức dưới thời Liên Xô.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước