Theo Ủy viên châu Âu phụ trách Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp Virginijus Sinkevicius, nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm và đối mặt với nhiều nguy cơ. Ông kêu gọi các nước EU tránh lãng phí nước, sử dụng nước hiệu quả hơn để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo an ninh và tính bền vững của nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp.
EC cho biết, mỗi năm các nước EU xử lý hơn 40 tỷ m3 nước, nhưng chỉ có 964 triệu m3 nước được tái sử dụng. Theo EC, nếu các nước có hệ thống chuyển hướng nước thải đến trang trại như Israel, Singapore và Australia, đến năm 2025 có thể tái sử dụng ít nhất 6 tỷ m3 nước thải.
Phần lớn các nước châu Âu đang hứng chịu một đợt khô hạn kéo dài trong năm nay. EC cảnh báo biến đổi khí hậu có thể khiến một nửa số lưu vực sông ở EU có nguy cơ thiếu nước vào năm 2030.
(Ảnh: Khalifa University)
Ngày 3/8, Hà Lan, đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển, đã ban bố tình trạng thiếu nước trong bối cảnh quốc gia này đang trải qua những ngày hè nóng bức, oi ả.
Bộ trưởng phụ trách quản lý nguồn nước và cơ sở hạ tầng, ông Mark Harber, cho biết, Hà Lan là vùng đất ngập nước nhưng hiện nay nước cũng đang trở nên vô cùng quý giá đối với nước này. Hiện các nhà chức trách Hà Lan đã áp đặt một số hạn chế đối với hoạt động canh tác và vận chuyển để giúp tiết kiệm nguồn nước.
Theo đó, nhiều vùng đã cấm các trang trại sử dụng các nguồn nước lộ thiên tự nhiên (sông, suối, ao, hồ, hồ chứa, biển, cửa sông...) để tưới tiêu nông nghiệp. Một số âu tàu trên sông, biển hoặc kênh đào để tàu thuyền có thể ra vào cũng đã tạm ngừng hoạt động.
Chính phủ Hà Lan đang xem xét bổ sung các biện pháp tiết kiệm nước. Ông Harber kêu gọi người dân cân nhắc kỹ khi sử dụng nước.
Tháng 7 vừa qua, nhiệt độ ở Hà Lan có lúc lên đến 39,4°C, mức cao thứ 3 kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!