WHO cho biết, châu Âu đã trở lại là tâm điểm của đại dịch COVID-19. (Ảnh: AP)
Châu Âu hiện đang trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. Nhiều quốc gia ở châu lục này đã buộc phải tái áp đặt các biện pháp cấm và hạn chế nhằm ngăn chặn tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong tăng cao.
Tuần trước, số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo trong khu vực này đã tăng lên gần 4.200 ca mỗi ngày, tăng gấp 2 lần so với 2.100 người thiệt mạng/ngày vào cuối tháng 9. Trong khi đó, số ca tử vong tổng cộng tại 53 quốc gia của châu Âu đã vượt mốc 1,5 triệu người và virus hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đây là kết quả theo mô hình của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe.
Tiến sĩ Hans Henri Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết: "Tất cả chúng ta đều có cơ hội và trách nhiệm để giúp ngăn chặn thảm kịch và thiệt hại không đáng có về nhân mạng, đồng thời hạn chế sự gián đoạn hơn nữa đối với xã hội và kinh tế trong mùa đông này".
Theo WHO, các tính toán hiện tại cho thấy, áp lực sẽ lên tới mức căng thẳng tột độ về giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 ở 25 nước và căng thẳng cao độ hoặc cực độ tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở 49 trong số 53 quốc gia châu Âu từ nay đến ngày 1/3/2022.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu được dự báo sẽ lên tới hơn 2,2 triệu người vào mùa xuân năm 2022 dựa trên các xu hướng hiện tại.
Châu Âu hiện đang trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. (Ảnh: AP)
Ngày 22/11, Áo đã bắt đầu áp đặt lệnh cấm đi lại toàn quốc trong 10 ngày. Đây quốc gia châu Âu đầu tiên tái áp dụng lệnh cấm đi lại kể từ khi vaccine COVID-19 được phổ biến rộng rãi, sau khi số ca mắc mới tăng lên 15.000 trường hợp/ngày so với từ vài trăm ca một ngày trong mùa hè.
Người dân Đức và Hà Lan đã được thông báo rằng họ phải đối mặt với những hạn chế chặt chẽ hơn. Triển vọng về việc áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình phản đối ở một số quốc gia châu Âu.
Tiến sĩ Kulge cũng như các chuyên gia khác ủng hộ việc tiêm vaccine COVID-19, thuốc điều trị tăng cường, đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách xã hội và thiết bị thông gió trong phòng trở thành thói quen hàng ngày của mọi người để giúp giữ an toàn cho những người khác và ngăn chặn việc phải áp đặt lệnh đóng cửa.
Có một số yếu tố đang thúc đẩy làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện nay ở lục địa này. Nhiều quốc gia đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 sau khi nới lỏng các hạn chế, trong đó biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn giữ vị trị "thống trị" các ca bệnh. Biến thể virus này đang lây lan nhanh hơn trong bối cảnh người dân tụ tập trong nhà vào những tháng mùa đông.
Trong khi đó, với một số lượng lớn những người chưa được tiêm chủng và sự bảo vệ ngày càng giảm đi của vaccine ở những người chưa được tiêm nhắc lại, nhiều người dễ bị nhiễm virus.
Hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm ở khu vực châu Âu của WHO, với 53,5% người dân đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine COVID-19 vẫn ẩn chứa sự khác biệt lớn giữa các quốc gia, nơi số người đã hoàn tất tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ chỉ dưới 10% đến hơn 80% tổng dân số ở các nước khác nhau.
Tiến sĩ Kluge nói thêm: "Khi sắp kết thúc năm 2021, chúng ta hãy làm mọi thứ có thể bằng cách tiêm chủng và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân để tránh phương án cuối cùng là đóng cửa, trong đó có đóng cửa trường học. Với những kinh nghiệm cay đắng đã trải qua, chúng tôi biết rằng, những điều này dẫn tới hậu quả thiệt hại kinh tế và tác động tiêu cực sâu rộng đến sức khỏe tâm thần, tạo điều kiện cho vấn nạn bạo lực, gây bất lợi cho hạnh phúc và quá trình học tập của trẻ em".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!