Oilprice đưa tin, việc bắt đầu mùa tiêu thụ khí đốt cao điểm ở EU trong bối cảnh nhu cầu tăng từ châu Á có thể đẩy giá khí đốt tự nhiên trên lục địa này tăng, mặc dù nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào trên toàn cầu.
Theo nguồn tin này, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do một loạt yếu tố, chẳng hạn như căng thẳng địa chính trị, bao gồm cả vụ Houthi bắt giữ tàu gần đây. Báo cáo cho biết thêm, những thách thức trong chuỗi cung ứng, như những hạn chế ở kênh đào Panama và rủi ro ở kênh đào Suez, cũng gây trở ngại cho việc vận chuyển và định giá LNG toàn cầu.
"Tính dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự cố nào có thể ảnh hưởng đến giá cả đã được thể hiện rõ ràng vào đầu tuần qua, khi giá chuẩn ở châu Âu tăng vọt sau khi lực lượng Houthi bắt giữ một tàu chở hàng ở Biển Đỏ", theo Oilprice. Oilprice lưu ý rằng con tàu này có liên quan đến một công ty của Israel, do đó nhiều người coi đây là dấu hiệu cho thấy, xung đột có thể leo thang ở Trung Đông.
Theo báo cáo trích dẫn S&P Global, một số chuyên gia trong ngành kinh doanh khí đốt tin rằng giá LNG sẽ không tăng cao hơn nhiều, ngay cả khi rủi ro địa chính trị gia tăng ở Trung Đông.
Các chuyên gia khác cho rằng tin tức vận chuyển gần đây đã trở nên khá quan trọng đối với tất cả các loại hàng hóa do việc di chuyển qua kênh đào Panama bị hạn chế và việc đi qua kênh đào Suez rủi ro hơn do xung đột Israel - Hamas.
Báo cáo lưu ý rằng những người mua LNG của Mỹ ở châu Á cũng đang tìm kiếm các tuyến đường thay thế sau khi việc di chuyển bị hạn chế tại điểm nghẽn quan trọng giữa Bắc và Nam Mỹ, dự kiến sẽ làm tăng giá cước vận tải.
Vụ nổ tại một nhà máy xuất khẩu khí đốt lớn của Mỹ vào tháng 6/2022 đã khiến cơ sở này phải đóng cửa trong thời gian còn lại của năm. Freeport, chiếm 1/10 lượng nhập khẩu LNG của châu Âu trước vụ nổ, chỉ mới mở cửa trở lại vào tháng 2 năm nay. Tình trạng bất khả kháng đã khiến giá nhiên liệu tại lục địa già tăng vọt.
Với nhiệt độ giảm vào mùa đông, giá nhiên liệu có thể tăng cao hơn ở EU, trong khi giá toàn cầu có thể ổn định hơn, Oilprice kết luận.
Mùa đông ấm áp trong năm 2022 và những nỗ lực của EU nhằm tăng cường dự trữ khí đốt đã giúp tránh tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2021, khi giá khí đốt trong khu vực tăng vọt lên hơn 300 Euro (320 USD) mỗi MW sau quyết định của khối này không sử dụng khí đốt của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!