Chi phí khí đốt tương lai giao tháng 7 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã tăng lên mức cao nhất trong ngày là gần 47,6 Euro (52,1 USD) cho mỗi megawatt giờ tính theo hộ gia đình, hay 539,7 USD/ 1.000 m3.
Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng nhiệt độ dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu làm mát. Bên cạnh đó, nguồn cung khí đốt từ Australia ngày càng có nguy cơ bị gián đoạn do các cuộc đình công của người lao động dự kiến sẽ ảnh hưởng đến ba cơ sở khí đốt lớn do Chevron và Woodside Energy vận hành ở nước này. Việc gián đoạn tiềm năng do cuộc đình công có thể ảnh hưởng tới 10% xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.
Mặc dù người mua ở EU hiếm khi mua khí đốt tự nhiên của Australia nhưng khu vực này sẽ cần phải cạnh tranh với người tiêu dùng châu Á để có nguồn cung khí đốt thay thế.
Nhiệt độ tăng cao dẫn đến tăng nhu cầu làm mát ở châu Âu. (Ảnh: Getty Images)
Dù dự trữ khí đốt của EU cao hơn nhiều so với định mức theo mùa nhưng khu vực này vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ tiềm ẩn trong lịch trình bảo trì trong mùa hè của các nhà sản xuất khí đốt lớn, chẳng hạn như Na Uy.
Giá khí đốt của EU đã giảm dần kể từ tháng 8/2022. Việc giảm chi phí liên quan đến lượng hàng tồn kho đầy và nguồn cung LNG ổn định. Ngoài ra, khu vực này đã vượt qua được mùa đông nhờ thời tiết tương đối ấm áp. Kể từ ngày 13/6, các cơ sở lưu trữ khí đốt của EU được báo cáo là đã đầy 72,8%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!