Trái bóng EURO đã lăn, không khí sôi động đã ngập tràn các khán đài, nhưng nước Pháp vẫn chưa hết bộn bề lo toan bởi các cuộc đình công, biểu tình. Mới đây nhất, các phi công thuộc Liên đoàn hàng không quốc gia Pháp đã đình công, khiến nhiều chuyến bay phải hoãn hoặc hủy.
Đình công, thất nghiệp, nỗi lo khủng bố, khắc phục hậu quả lũ lụt trong khi vẫn phải đảm bảo cho EURO 2016, chưa bao giờ nước Pháp phải giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề đến như vậy. Nhiều tờ báo quốc tế đã đặt ra câu hỏi: "Liệu bóng đá có phải là liều thuốc cho cuộc khủng hoảng mà Pháp đang phải đối mặt?".
Tờ Washington Post nhìn nhận, 8 tháng kể từ sau đêm khủng bố kinh hoàng tại Paris, Giải vô địch bóng đá châu Âu đã diễn ra, như một sự khởi đầu mới.
Tờ Courrier International của Pháp cho rằng sự thành công của EURO có thể hàn gắn được nước Pháp, vốn đang bị chia tách bởi sự bất đồng xung quanh Luật cải cách lao động mới và các cuộc biểu tình trên quy mô toàn quốc.
Trong khi đó, trang mạng EU Observer phân tích, ở đất nước đang nỗ lực khôi phục sau trận lụt nghiêm trọng gây thiệt hại 1,4 tỷ Euro và bị tê liệt bởi các cuộc đình công, Giải bóng đá vô địch châu Âu năm 2016 còn có ý nghĩa lớn đối với cá nhân Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Một EURO diễn ra suôn sẻ và sự kết thúc các cuộc biểu tình có thể là cú hích để ông Hollande tuyên bố tái tranh cử vào năm 2017. Chiến thắng của đội tuyển Pháp tại EURO có thể không thay đổi được tình hình chính trị trong nước sau hàng tháng trời căng thẳng và kịch tính, nhưng đây có thể là món quà mùa hè tuyệt vời dành cho giới lãnh đạo nước Pháp.
Nhìn nhận xa hơn, tờ báo Anh The Times cho rằng, tại thời điểm đe dọa khủng bố như hiện nay, EURO 2016 là dịp để toàn châu lục thể hiện điều tốt đẹp nhất và những giá trị của mình. Bóng đá là môn thể thao tập hợp, xóa bỏ mọi khác biệt và phá vỡ những bức tường chia cách mọi người.
Cùng quan điểm, tờ The Guardian của Anh đặt ra câu hỏi: "Khi cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ra đi hay ở lại châu Âu đang tới gần, liệu bóng đá có thể đoàn kết một châu Âu chia rẽ?". Tác giả bài viết cho rằng sự khác biệt về chính trị đã chia tách châu Âu nhưng bóng đá là một không gian văn hóa hiếm gặp, trong đó ý tưởng về một châu Âu tiến bộ, toàn diện có thể được xây dựng.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!