Trong thông báo vào ngày 11/12, cảnh sát hình sự liên bang Đức cho biết chiến dịch có tên "Power Off" đã diễn ra trong tuần này. Những nền tảng này bị cáo buộc tiếp tay cho tin tặc thực hiện các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm mục đích chi phối và làm gián đoạn một trang web hoặc máy chủ.
Theo cảnh sát Đức, chiến dịch đã vô hiệu hóa thành công 27 nền tảng, trong đó có 4 nền tảng đặt máy chủ tại Đức. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 3 quản trị viên các nền tảng này tại Đức và Pháp, đồng thời xác định khoảng 300 đối tượng liên quan.
Cảnh sát cũng lưu ý rằng động cơ của tội phạm mạng đằng sau các cuộc tấn công DDoS rất khác nhau, trong đó có việc phá hoại và theo đuổi lợi ích tài chính, che giấu các cuộc tấn công mạng khác và cả động cơ chính trị.
Chiến dịch "Power Off" được triển khai trong bối cảnh việc sử dụng các nền tảng này để thực hiện các cuộc tấn công DDoS đang ngày càng trở nên phổ biến. Tấn công DDoS là phương thức sử dụng một lượng lớn thiết bị nhiễm virus để gây quá tải máy chủ hoặc trang web mục tiêu với lưu lượng truy cập lớn.
Trước đó, ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết đã triệt phá thành công một dịch vụ nhắn tin mã hóa được sử dụng cho hoạt động buôn bán ma túy và vũ khí quốc tế. Theo đó, dịch vụ nhắn tin có tên MATRIX được phát hiện trên điện thoại của một tên tội phạm đã sát hại phóng viên nổi tiếng người Hà Lan Peter R. de Vries vào năm 2021.
Một cuộc điều tra quy mô lớn của chính quyền Hà Lan và Pháp đã chặn được dịch vụ nhắn tin này và theo dõi hoạt động trong 3 tháng, dẫn đến việc giải mã được hơn 2,3 triệu tin nhắn bằng 33 ngôn ngữ. Các tin nhắn bị chặn có liên quan đến các tội phạm buôn bán ma túy quốc tế, buôn bán vũ khí và rửa tiền. Nhờ đó, giới chức trách có thể tiếp tục theo dõi các tin nhắn mã hóa này nhằm hỗ trợ các cuộc điều tra khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!